Hòa hợp dân tộc ở Việt Nam là một trong những truyền thống nhân văn, thể hiện ý nghĩa về sự đoàn kết và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thứ tư - 11/05/2022 14:36 685 0

Thời gian qua, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống dân tộc, Đảng và Nhà nước đã triển khai, áp dụng một cách khoa học, hiệu quả giá trị này; xem đây là một trong những yếu tố cấu thành khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp đất nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, với cái nhìn hạn hẹp, định kiến cùng những âm mưu phá hoại, các thế lực chống đối và thù địch vẫn thường xuyên tạc, phủ nhận chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

 

j

 

NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VỀ HÒA HỢP DÂN TỘC

Hiện nay, các thế lực chống đối và thù địch thường xuyên đưa ra các quan điểm sai trái, xuyên tạc và phủ nhận về chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh các tài liệu, văn bản phát tán trái phép, họ đã tận dụng triệt để sự phát triển của công nghệ số mà điển hình là dùng Internet để chống phá. Thông qua một số website, các mạng xã hội, các ứng dụng (app) chạy trên nền tảng điện thoại thông minh…, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc, bóp méo về chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam.

Có thể nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái xuyên tạc và phủ nhận về hòa hợp dân tộc qua các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, các thế lực chống đối và thù địch cho rằng ở Việt Nam không có hòa hợp dân tộc thực sự vì xã hội Việt Nam luôn có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc...

Đặc điểm chung của các bài viết này là đưa ra những những nhận định, những quan điểm hồ đồ và hết sức phiến diện, kiểu như “Chúng ta cần hòa giải giữa các sắc tộc thiểu số và người Kinh. Chúng ta cần hòa giải giữa người Nam và người Bắc. Chúng ta cần hòa giải giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc, nhất là với Phật giáo. Chúng ta cần hòa giải giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với đất nước...”; “vấn đề hoà giải, hoà hợp vẫn còn nhức nhối”, “có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể chữa lành”; “hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn chưa thực hiện được tại Việt Nam”… (!?)

Thứ hai, họ cho rằng các chính sách, luật pháp về hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam hiện nay là “đãi bôi”, “con đường nửa vời”; Đảng và Nhà nước Việt Nam không có thiện chí trong quá trình hòa hợp dân tộc.

Với quan điểm này, họ đưa ra những bài viết cực đoan để phủ nhận chính sách, pháp luật về hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng như luôn nghi ngờ về thiện chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ngụy biện hơn, họ rêu rao rằng: “đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có hòa hợp, hòa giải với chính sách hiện nay của chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản...”(!?).

Thứ ba, họ tự nhận mình là “người đại diện” cho “nguyện vọng của đa số” để tuyên truyền đề xuất cho cái gọi là “phương cách hòa hợp”.

Để cổ súy cho luận điệu này, trên một số website hải ngoại, với những bài viết công kích, xuyên tạc, các thế lực chống đối và thù địch cho rằng chỉ có họ mới có thể đưa ra cách hiểu đúng cho hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một trong ba lập trường căn bản của tập hợp dân chủ đa nguyên”(!?) và vu khống: “có sự thiếu tin tưởng vào thực tâm và thiện chí muốn hòa giải của các bên”... Những người này cũng tự huyễn hoặc cho mình cái quyền “đại diện” để đề ra “phương cách song phương và đơn phương” để tiến hành hòa giải hòa hợp. Theo đó, “phương cách song phương” là “đại diện hai bên Việt Nam và Việt Quốc ngồi lại với nhau để cùng giải quyết mâu thuẫn căn bản (!?)”; còn “Phương cách đơn phương” là yêu cầu đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay phải “thực tâm, có thiện chí” (!?)...

Thứ tư, lợi dụng tính chất dễ dàng tìm kiếm, dễ truy cập của mạng Internet, các thế lực chống đối và thù địch đã thường xuyên dẫn lại, cố tình chỉnh sửa (edit) các thông tin một cách bừa bãi mà không có và không cần nguồn kiểm chứng nhằm phá hoại, xuyên tạc. Theo số liệu thống kê, các thế lực thù địch đã “sử dụng khoảng 50 đài phát thanh, truyền hình, gần 400 tờ báo, tạp chí tiếng Việt, trong đó có khoảng 10 tờ có nội dung rất phản động, 66 nhà xuất bản để tuyên truyền, chống phá cách mạng Việt Nam…”(1).

Thứ năm, họ cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn cấm đoán và hạn chế các nghiên cứu về văn hóa, văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Vì thế vẫn chưa có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc (!?).

Để minh họa cho luận điệu trên, các thế lực chống đối và thù địch cố tình căn cứ vào một số quy định mà Đảng và Nhà nước ta ban hành trong giai đoạn 1975-1985 và chủ ý lờ đi những đổi mới trong lý luận và thực tiễn, cũng như những thành tựu từ 1986 đến nay, từ đó khẳng định: hiện nay Việt Nam vẫn cấm đoán và hạn chế các nghiên cứu về văn hóa, văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975...

ư

SAI LẦM CỦA CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ HÒA HỢP DÂN TỘC

Nhìn chung, dù được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng tựu trung, các quan điểm sai trái trên đều nhằm cùng mục đích: cố tình xuyên tạc, bôi nhọ chính sách hòa hợp của Đảng và Nhà nước ta, qua đó hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thay đổi và phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội và cuối cùng là đòi đa nguyên đa đảng.

Qua nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc về hòa hợp dân tộc, chúng tôi xin làm rõ các nội dung sau:

Thứ nhất, sai lầm khi cho rằng ở Việt Nam không có hòa hợp dân tộc thực sự

Thực tiễn cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ở Việt Nam không có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau, đặc biệt là giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số.

Chúng ta biết rằng, mâu thuẫn hoặc xung đột tộc người, tôn giáo thường bắt nguồn từ sự khác biệt về hệ tư tưởng, lợi ích (kinh tế) và cả những khác biệt văn hóa… giữa các tộc người, tôn giáo. Tuy nhiên điều này chỉ đúng ở tầm bao quát chung của nhân loại, hoặc đã và đang diễn ra ở một số nước, khu vực trên thế giới. còn ở Việt Nam lại hoàn toàn khác. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam cũng đã có những xung đột hoặc cuộc chiến xảy ra (ví dụ như sự chuyển tiếp, thay thế quyền lực giữa các vương triều: Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê…; phân tranh Trịnh - Nguyễn; Đàng Trong - Đàng Ngoài…) nhưng các cuộc chiến, xung đột này (bao gồm những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu dài) không phải là xung đột hoặc chiến tranh mang màu sắc thanh trừng sắc tộc, tôn giáo mà chỉ là các cuộc chiến, xung đột dựa trên quyền lợi thiết thân với tính chất chuyển giao hoặc thôn tính quyền lực, lợi ích được thực hiện bởi các vua, chúa; ở mỗi bên “tham chiến”, đội quân thường là sự tập hợp lực lượng bao gồm những người cùng chung mục đích về lợi ích kinh tế, quyền lợi hay địa vị xã hội... được xuất thân từ nhiều thành phần dân tộc, tầng lớp xã hội khác nhau.

Hiện nay, Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước)(2). Mặc dù người Kinh là dân tộc chiếm đa số, nhưng thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, vai trò và tham gia vào bộ máy chính quyền cũng như những đóng góp vào đời sống xã hội của người dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo. Đơn cử như trong Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tăng dần theo các khóa: Khóa I: 10,2%, khóa XIII: 15,6%, khóa XIV: 17,3%, khóa XII: 17,7%, khóa XV: 17,84%.

Trong quan hệ tôn giáo, thực tiễn cũng đã chứng minh Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo và không có sự mâu thuẫn hoặc xung đột giữa các tôn giáo, tín ngưỡng; các tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và được Nhà nước bảo hộ hoạt động bằng pháp luật; người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… Điều này đã được kiểm chứng, thừa nhận bởi nhiều quốc gia, nhiều tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới. Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế - Việt Nam 2018 của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khẳng định: “Hiến pháp (của Việt Nam) quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do không theo một tôn giáo nào. (...) Hiến pháp quy định tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp cấm công dân vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” và “Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”(3).

Trong sinh hoạt, vào những ngày lễ lớn của các tôn giáo ở Việt Nam (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo...), lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều tới thăm, chúc mừng và cùng các tôn giáo hướng tới lẽ sống “tốt đời đẹp đạo”. Đặc biệt, với đặc tính dung hòa sẵn có của đời sống văn hóa Việt Nam, trong hầu hết các lễ hội tôn giáo, ngoài sự hiện diện của tín đồ, còn có rất nhiều người dân, thậm chí là tín đồ của các tôn giáo khác cũng đến xem lễ, tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng…

Thứ hai, rất ấu trĩ khi cho rằng các chính sách, luật pháp về hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam hiện nay là “đãi bôi”, “con đường nửa vời”; Đảng và Nhà nước Việt Nam không có thiện chí trong quá trình hòa hợp dân tộc.

Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc kết hợp thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc: “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”(4), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách, luật pháp cùng những hành động thiết thực về hòa giải, hòa hợp dân tộc, có thể kể đến Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới... Đặc biệt, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được Đảng cụ thể hóa vào các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, như: “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”(5), “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại”(6), “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước”(7). Các cơ quan chuyên trách về công tác người Việt ở nước ngoài (Ủy ban người Việt ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao) cũng đã làm tốt công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc thông qua giúp người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, hướng về Tổ quốc…

Những lý lẽ nêu trên cho thấy: không hề có cái gọi là “đãi bôi” hay “con đường nửa vời” trong việc ban hành các chính sách, luật pháp về hòa giải, hòa hợp dân tộc của Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn tỏ rõ thiện chí trong quá trình hòa hợp dân tộc. Trong đó, việc chủ động chào đón sự trở về của những kiều bào từng làm việc cho chế độ cũ, từng rời bỏ đất nước... là minh chứng tiêu biểu nhất. Trường hợp của nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ là một ví dụ điển hình. Trở về quê hương sau gần 30 năm xa xứ, ông đã khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là chính sách đúng đắn của chính phủ Việt Nam, trong đó xem kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(8). Hoặc như trường hợp của nguyên chuẩn tướng, quyền Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Hữu Hạnh: Từ khi còn nắm giữ quyền lực trong chế độ cũ cho đến lúc qua đời (2019) tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã có những việc làm thiết thực, trở thành “một tấm gương tiêu biểu của những người Việt Nam chân chính, có tinh thần dân tộc và yêu nước, cho dù chỗ đứng ở đâu, cương vị thế nào vẫn luôn hướng về đất nước và dân tộc”(9).

 

Có thể thấy, để kiều bào quay trở về, ngoài yếu tố hướng về nguồn cội thì thiện chí cùng với sự đảm bảo về pháp luật của Đảng và Nhà nước chính là điều kiện quan trọng nhất. Các chính sách tốt đẹp cùng hệ thống luật pháp nghiêm minh của Đảng và Nhà nước về hòa hợp dân tộc đã trở thành cơ sở vững chắc để bà con Việt kiều thay đổi định kiến, thay đổi tư duy và trở về chung sức xây dựng quê hương.

 

Không chỉ dang tay đón nhận những người con Việt Nam thiết tha thực tâm trở về với đất mẹ, Đảng và Nhà nước còn có những việc làm thiết thực, nhân văn để giúp đỡ, bảo hộ công dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Việc hỗ trợ người bị nạn (bao gồm cộng đồng người Việt) trong cơn bão Katrina năm 2005 ở Mỹ; việc khuyến cáo và có những hành động kịp thời để bảo hộ công dân tránh khỏi những tổn thất về người và của trước những xung đột, biểu tình, đảo chính ở một số nước, khu vực; việc tiến hành đưa người Việt ở nước ngoài trở về Tổ quốc trước đại dịch COVID-19... đã chứng minh cho thiện chí hòa hợp và tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ ba, hoàn toàn ngộ nhận và sai lầm khi các thế lực thù địch tự nhận mình là “người đại diện” cho “nguyện vọng của đa số” để tuyên truyền, đề xuất về cái gọi là “phương cách hòa hợp”.

Xét ở góc độ luật pháp, “đại diện” là việc một người, một cơ quan, tổ chức nhân danh người, cơ quan, tổ chức khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lí trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Quyền đại diện được xác lập theo sự ủy quyền, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật… Trong hiến pháp và pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới, “đại diện” là một trong những chế định quan trọng được ghi nhận. Ví dụ như tại Mục 1, Điều 3 của Hiến pháp Nga: “Nhân dân Nga đa sắc tộc là đại diện cho chủ quyền và là nguồn duy nhất của quyền lực ở Liên bang Nga”(10), hoặc trong Điều 135, Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam, “quyền đại diện” cũng được quy định rõ: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật”(11)... Lấy cơ sở pháp lý làm căn cứ, chúng ta thấy những hoạt động (từ phát ngôn cho đến các hành động cụ thể) của những người trong Việt Tân, Việt Quốc, Khối 8406, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời... chỉ nhân danh cho chính bản thân họ hoặc cho một nhóm người “cùng chung tham vọng”; việc đưa ra các “tuyên ngôn” chẳng qua chỉ là chiêu bài lừa mị những người nhẹ dạ cả tin, những người đã lâu không có điều kiện nắm bắt tình hình trong nước...; các bài viết đăng tải trên Internet của họ chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, nhóm người và hoàn toàn không phải là quan điểm đại diện cho nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, những người này không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào (sự ủy quyền, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều lệ pháp nhân, quy định của pháp luật…) để có thể “đại diện” cho số đông hay “nguyện vọng của đa số”, nhất là khi nguyện vọng của đa số ở đây không phải là mong ước chính đáng, phù hợp của tất cả các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam, mà chỉ là tham vọng của một nhóm người mang mưu đồ ích kỷ, xấu xa.

Khi đã không có cơ sở pháp lý để “đại diện” cho “nguyện vọng của đa số” thì cái gọi là “phương cách hòa hợp” cũng chỉ là viển vông. Đối với những kẻ không có tư cách đại diện, lại thường xuyên sử dụng các hành động khủng bố thì dĩ nhiên các “phương cách hòa hợp” chỉ đơn thuần là một cách diễn đạt nhằm đánh tráo khái niệm, và mục đích chính là nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, cuối cùng là đòi đa nguyên đa đảng tại Việt Nam.

Thứ tư, ấu trĩ và sai lầm khi lợi dụng tính chất dễ dàng tìm kiếm, truy cập của mạng Internet để dẫn lại, chỉnh sửa (edit) các thông tin một cách bừa bãi, không có và không cần nguồn kiểm chứng... nhằm xuyên tạc, phá hoại chính sách hòa hợp dân tộc.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, nhất là khi nhân loại đã bước vào kỷ nguyên số thì việc dẫn nguồn, biên tập lại một cách méo mó thông tin sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện, tẩy chay. Trong khi đó, chỉ cần lướt qua trên Internet, người ta rất dễ tìm được những thông tin đã được kiểm chứng rõ ràng. Ví dụ như các chương trình “Xuân Quê hương”, “Trại hè dành cho thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài”… mà chúng ta đã và đang tiến hành đã được rất nhiều hãng thông tấn báo chí, các website trên thế giới thừa nhận và đăng tải. Mặt khác, tình trạng tin giả hiện nay cũng đã được hầu hết các tổ chức, quốc gia cảnh báo và bài trừ. Về vấn đề này, xin dẫn lại một khuyến nghị trên Trang tin tức của Tòa thánh Vatican (Vatican News) trong việc cảnh báo những tin giả (fake new) âm mưu chia rẽ sự đoàn kết về tôn giáo (trong đó có Công giáo) ở Việt Nam như sau: “Trong thời đại hiện nay, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là mảnh đất tốt để chúng ta có thể thực hiện việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho những thông tin “phản - Tin Mừng” phát triển, nhưng lại mạo danh hay núp dưới danh nghĩa của Giáo hội Công giáo. Trong hoàn cảnh ở Việt Nam, điều này vô cùng nguy hiểm!”(12).

Thứ năm, sai lầm khi cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn còn cấm đoán và hạn chế các nghiên cứu về văn hóa, văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 để quy chụp rằng chưa có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Thời gian qua, đặc biệt là từ những năm ‘80 của thế kỷ XX trở lại đây, việc nghiên cứu văn hóa, văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã có nhiều chuyển biến, cởi mở, “quan điểm chính thức được khẳng định hiện nay là, ủng hộ việc đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc phổ biến các giá trị đích thực của văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, đoàn kết mọi người cùng nhìn về một phía, thực hiện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa văn nghệ.”(13). Đặc biệt, trong nghiên cứu khoa học chuyên sâu, đã có nhiều luận văn, luận án, chuyên luận lấy văn hóa, văn học đô thị miền Nam (1954-1975) làm đối tượng nghiên cứu, như: Khảo sát sự du nhập của phân tâm học và chủ nghĩa hiện sinh vào văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 của Nguyễn Phúc (Luận án Tiến sĩ, 1995); Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 của Trần Hoài Anh (Luận án Tiến sĩ, 2009); Vấn đề thân phận con người trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954-1975 của Nguyễn Thị Việt Nga (Luận án Tiến sĩ, 2012); Con người và những giá trị văn hóa truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 của Nguyễn Thị Thu Trang (Luận án Tiến sĩ, 2008); Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954-1975) của Bùi Tiến Sỹ (Luận án Tiến sĩ, năm 2017); Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975 của Nguyễn Bá Thành (Nxb. Đại học Quốc gia, 2016); Những nguồn cảm hứng trong văn học của Huỳnh Như Phương (Nxb. Văn nghệ, 2009); Văn học Sài Gòn 1954-1975: Những chuyện bên lề của Lê Văn Nghĩa (Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020)... Ngoài ra, nhiều tác phẩm văn - sử - triết học cùng các công trình nghiên cứu có giá trị xuất bản trước 1975 ở miền Nam, nay cũng đã được công nhận và lưu hành... Như vậy, không có cái gọi là “tồn tại những cấm đoán” trong nghiên cứu khoa học về miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, có chăng, chỉ là sự cố tình dựng chuyện và sự vu khống của các thế lực thù địch.

 

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp là quan điểm hòa hợp, hòa giải nhân văn của bất cứ quốc gia tiến bộ nào trên thế giới. Với tư cách là một quốc gia có độc lập chủ quyền, có luật pháp và có vị thế quan trọng trên chính trường quốc tế, Việt Nam đã và đang làm tốt công tác hòa hợp dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, hòa hợp không đồng nghĩa với xuyên tạc lịch sử, với vi phạm pháp luật. Chúng ta dang rộng vòng tay chào đón mọi người con Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới trở về trong hòa bình, trở về với tâm thế xây dựng đất nước... nhưng chúng ta cũng cương quyết không chào đón, thậm chí phải loại bỏ những kẻ cơ hội, trở về nhằm mục đích chia rẽ, phạm pháp và phá hoại đoàn kết dân tộc./.

TS. Bùi Tiến Sỹ
Học viện Chính trị khu vực III

 

(1) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr.127.

(2) Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc, http://www.cema.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/thoi-su-chinh-tri/bao-dam-vai-tro-tham-gia-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-trong-quoc-hoi.htm.

(3) https://vn.usembassy.gov/vi/irfreport2018/.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr.281.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.159.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.1, tr.171.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XIII, Sđd, t.2, tr.155.

(8) Lan Anh: Từ cuộc gặp chủ động với tướng Nguyễn Cao Kỳ, https://tienphong.vn/tu-cuoc-gap-chu-dong-voi-tuong-nguyen-cao-ky-post1331692.tpo.

(9) Long Hồ-Bình Long: Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh là tấm gương tiêu biểu của những người Việt Nam có tinh thần dân tộc và yêu nước, Trang tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhan-si-nguyen-huu-hanh-la-tam-guong-tieu-bieu-cua-nhung-nguoi-viet-nam-co-tinh-than-dan-toc-va-yeu-1491858325.

(10) Văn phòng Quốc Hội: Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống Kê, H, 2009, tr.55.

(11) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Bo-luat-dan-su-2015-296215.aspx.

(12) Khắc Bá: Tin mạo danh và vấn đề đặt ra cho Truyền thông Công giáo Việt Nam, https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-03/tin-mao-danh-va-van-de-dat-ra-cho-truyen-thong-cong-giao-vn.html.

(13) Hạnh Nguyên: Ứng xử với văn học miền Nam trước 1975http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/item/30680502-ung-xu-voi-van-hoc-mien-nam-truoc-1975.html.

Tác giả bài viết: TS. Bùi Tiến Sỹ - Học viện Chính trị khu vực III

Nguồn tin: Tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,930
  • Tháng hiện tại33,822
  • Tổng lượt truy cập1,490,105
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây