Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2024) - Mốc son lịch sử

Thứ hai - 25/03/2024 13:45 119 0
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2024) - Mốc son lịch sử
Ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ được hoàn toàn giải phóng. Đây là tỉnh lỵ trên quốc lộ IA đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Nam vào ngày 24/3/1975 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và Nhân dân Quảng Nam.
 

Chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 làm cho nguỵ quân, nguỵ quyền suy sụp hẳn, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Đầu tháng 02/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu cho trận then chốt mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Quân khu 5 đảm nhận mở chiến dịch Tiên Phước - Tam Kỳ nhằm phối hợp với hoạt động tiến công của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên.
Theo chủ trương trên, Tỉnh ủy Quảng Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động lực lượng của tỉnh cùng với lực lượng địa phương Tam Kỳ, Thăng Bình mở chiến dịch tiêu diệt địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giải phóng. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, chiến dịch diễn ra trên một địa bàn tam giác có núi, có đồng bằng thuộc 3 huyện Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình.
Trước tình hình đó, vào đầu tháng 02/1975, tại thôn 1, Tiên Sơn, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị và ra nghị quyết: “Động viên sự nổ lực lớn nhất của Đảng bộ, của lực lượng vũ trang, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với chủ lực quân khu thực hiện mục tiêu tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh; quyết tâm giải phóng quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm và các xã vùng Đông, vùng Tây Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ, tạo thành thế bao vây Tỉnh lỵ Quảng Tín...”. Ta chọn Tiên Phước - Phước Lâm để mở màn chiến dịch vì đây là căn cứ địch cắm sâu vào vùng ta, ta có điều kiện bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch triệt để.
Để thực hiện Nghị quyết trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập bộ phận chỉ đạo tiền phương của tỉnh do đồng chí Hoàng Minh Thắng - Bí thư Tỉnh ủy phụ trách; các đồng chí Nguyễn Thành, Lê Hải Lý, Trần Anh Vũ, Vũ Thành Năm cùng một số cán bộ thuộc các ban ngành của tỉnh tham gia. Cơ quan tiền phương từ căn cứ Tỉnh ủy tại Tiên Sơn di chuyển đóng ở thôn An Lý, Bình Phú, Thăng Bình. Cũng tại đây, Tỉnh ủy phân công các bộ phận tham gia cùng với chủ lực Quân khu như: Bộ Phận đi cùng chủ lực Quân khu hướng trọng điểm do đồng chí Vũ Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách; bộ phận Thường trực do đồng chí Đỗ Thế Chấp - Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Đức Bốn chỉ đạo. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu thành lập Đảng ủy cánh Đông do đồng chí Nguyễn Thành - UVBTV làm Bí thư cùng các đồng chí Trần Anh Vũ - Chỉ Huy phó, Vũ Thành Năm - Tham mưu trưởng Tỉnh đội, Phạm Thị Sơn - Phó Ban đấu tranh chính trị tỉnh, Phan Thanh Toán - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình trực tiếp chỉ đạo tiến công và nổi dậy giải phóng vùng Đông Thăng Bình và Bắc Tam Kỳ.
Thời gian này, căn cứ Tỉnh ủy tại Tiên Sơn diễn ra các hoạt động hết sức nhộn nhịp, khẩn trương, với tinh thần, khí thế chuẩn bị cho ngày toàn thắng. Mọi thông tin liên lạc từ các chiến trường được Tỉnh ủy tiếp nhận, nghiên cứu; từ đó, Tỉnh ủy và các bộ phận tiến hành công tác chỉ đạo, chuẩn bị chiến trường đảm bảo theo các phương án đã được duyệt đối với cả 3 vùng chiến lược, 3 thứ quân, 3 mũi giáp công, với hướng trọng điểm là vùng Đông Thăng Bình và Bắc Tam Kỳ. Đồng thời, Tỉnh ủy chỉ đạo huy động hàng trăm dân công các huyện thuộc khu Nam Trà và vùng giải phóng trong tỉnh phối hợp với Trung đoàn công binh để sửa chữa và làm mới một số tuyến đường phục vụ cho các chiến dịch.
Ngày 10/3/1975, ta tiến công giải phóng hoàn toàn Tiên Phước - Phước Lâm. Chiến thắng Tiên Phước - Tam Kỳ thể hiện vai tṛ sáng tạo của Ban Thường vụ Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 trong việc chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kịp thời nắm vững thời cơ để giành thắng lợi to lớn. Việc giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng các huyện đồng bằng, đặc biệt là tạo bàn đạp để tấn công vào cơ quan đầu não của địch tại tỉnh lị Quảng Tín. Mặt khác, tạo được hành lang bảo vệ chiến khu ở miền núi phía tây của cách mạng khu 5.
Đúng 10 giờ 30 ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ được hoàn toàn giải phóng. Đây là một tỉnh lỵ trên quốc lộ IA đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Phát huy chiến thắng, từ ngày 24 đến 26/3/1975, lực lượng quân khu và tỉnh Quảng Nam tiếp tục truy kích địch tháo chạy, đánh chiếm quận lỵ Lý Tín, căn cứ Chu Lai, Tuần Dưỡng, quận lỵ Thăng Bình và Quế Sơn. Ngày 26/3/1975, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn toàn giải phóng.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Nam đã đập tan cơ quan đầu não của ngụy quyền Quảng Tín, quét sạch các chốt điểm của địch trên một địa bàn chiến lược quan trọng, tạo nên thế gọng kìm bao vây và cô lập căn cứ Đà Nẵng, tạo thế và lực cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân lịch sử năm 1975.
Sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Nam vào ngày 24/3/1975 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và Nhân dân Quảng Nam.
LÊ NĂNG ĐÔNG
Theo: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng 1930-1975

Tác giả bài viết: LÊ NĂNG ĐÔNG. Theo: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng 1930-1975

Nguồn tin: quangnam.dcs.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay1,305
  • Tháng hiện tại36,988
  • Tổng lượt truy cập905,966
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây