Học ngoại ngữ theo gương Bác Hồ

Thứ hai - 16/09/2019 02:55 1.160 0
Học ngoại ngữ theo gương Bác Hồ
Ngày 5-6-1911, tại Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin của Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Người đã đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, nhất là những người lao động nghèo ở Mỹ, Pháp, Anh… Bác luôn tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp với người sở tại, dùng ngôn ngữ của họ làm phương tiện giao tiếp.

Trong lý lịch tự khai của đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, Người ghi: Biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Sau này trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, những lần đi thăm nước ngoài hoặc đón tiếp các phái đoàn quốc tế, Bác đều tận dụng vốn ngoại ngữ đó để trao đổi, giao tiếp. Bên cạnh các ngoại ngữ thông dụng, Người còn sử dụng thành thạo khá nhiều ngôn ngữ các nước khác như: tiếng Xiêm, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số của Việt Nam… Vốn ngoại ngữ này không tự nhiên có mà là quá trình dày công học tập gắn liền hành trình tìm đường cứu nước của Người.

 Mùa hè năm 1911, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở cảng Mác-xây và Ha-vơ-rơ của Pháp. Từ đây, mọi sinh hoạt cá nhân tới công việc hằng ngày đều phải sử dụng bằng ngôn ngữ Pháp. Không biết rõ tiếng Pháp thì sẽ gặp nhiều trở ngại, bởi vậy, dù rất khó khăn, Người vẫn tìm cách học tiếng Pháp.
 Trên chuyến tàu đến đất Pháp, Người chủ động tìm đến hai người lính, kết thân với họ và học ở họ thông qua giao tiếp. Lúc đầu, họ còn lạnh lùng, nhưng khi hiểu rõ mong muốn chân thành của Bác, họ đã cho Người mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp để đọc và viết theo. Học từ nào, Bác đều muốn hiểu rõ nghĩa của từ đó một cách tường tận. Muốn biết điều gì hoặc đồ vật nào đó, Bác đều chỉ tay hỏi người Pháp, rồi tự viết vào một mẩu giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, có khi viết lên cánh tay mình để nhanh ghi nhớ, tranh thủ vừa làm, vừa học. Mỗi tối sau giờ làm việc, Bác rửa tay, rồi lại ghi tiếp những từ mới vào thay thế.
 

Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay sau đó. Ban đầu tập ghép vài từ, ghép thành đoạn, rồi tập viết thành cả bài dài bằng ngôn ngữ Pháp. Bác thường tìm đọc báo và tích cực tập viết báo. Sau mỗi bài viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành 2 bản để lưu lại và gửi toà soạn. Mỗi khi viết được bài báo nào, Người tìm đến tòa soạn và trao đổi với phụ trách rằng: Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các ngài sửa lỗi tiếng Pháp giúp tôi. Sau mỗi lần bài được đăng, Bác rất vui và đối chiếu từng câu, từng chữ, xem bài viết của mình đúng, sai chỗ nào, toà soạn đã sửa lại thế nào, thêm, bớt điều gì cho đúng phong cách ngôn ngữ, văn hóa Pháp. Từ những chỉ dẫn của các chủ bút, Bác viết đi, viết lại, khi thì viết diễn giải cho dài, khi thì co lại thật ngắn gọn, súc tích để người đọc có thể hiểu nội dung… 

 Dù công việc rất bận, nhưng sau mỗi ngày làm việc, Bác lại tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa giải trí, vừa tự trau dồi kiến thức, ngôn ngữ. Bác thường tìm đọc những tác phẩm văn học Pháp để học cách viết, cách lập luận, rồi tập viết những bài phóng sự, truyện ngắn… Sáng nào Bác cũng dậy từ sáng sớm, không kể đó là tiết trời lạnh giá trên căn gác nhỏ của ngõ phố Công-poanh, hay tiết trời nóng nực giữa Pa-ri, Người thường viết từ 5 giờ đến 6 rưỡi sáng.
 Năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ “Người cùng khổ”, được sử dụng bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp, đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, do Bác tự tay thiết kế, trình bày và tự mình viết nhiều bài có giá trị. Do Báo “Người cùng khổ” chưa có Ban Biên tập thường xuyên nên hầu như Bác phải làm mọi việc từ sửa chữa, biên tập và… bán báo.
 Rèn luyện tiếng Anh
 Tiếng Pháp là nền tảng, nguồn gốc của nhiều từ tiếng Anh. Từ cấu trúc ngữ pháp đến sử dụng các thì, nghĩa của từ ngữ trong tiếng Pháp đều có trong cấu trúc tiếng Anh, chỉ trừ cách thể hiện các ký tự, phát âm và vài chi tiết khác. Biết tiếng Pháp rồi, Bác đã tìm hiểu tiếng Anh, rèn luyện tiếng Anh bằng cách đọc, viết, nói, giao tiếp, nghe thuyết trình và làm việc với người nói tiếng Anh. Về khoảng cách địa lý, Anh và Pháp là hai nước gần nhau, người sử dụng tiếng Pháp cơ bản vẫn có thể sử dụng tiếng Anh và ngược lại. Cũng như tiếng Pháp, Bác tự học tiếng Anh, không thông qua một trường lớp nào.
 Đến nước Anh, Bác làm nghề đốt lò rất vất vả, dường như vắt kiệt sức lực nên Bác ốm hai tuần. Lành bệnh, Người chuyển sang làm thuê tại Khách sạn Các-tơn. Ở đây, Người có điều kiện tiếp xúc với nhiều giới khác nhau, giao tiếp vừa cả tiếng Anh và Pháp. Thường ngày, Bác phải làm việc từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa, chiều từ 5 giờ tới 10 giờ tối. Bác chắt chiu mỗi đồng tiền kiếm được để đảm bảo sinh sống và dành dụm mua sách vở. Thế nhưng, chỉ với vài quyển vở và cây bút chì, Bác đã tận dụng mọi nơi, mọi lúc có thể để học tiếng Anh, Người thường ra Vườn hoa Hay-dơ, nơi có nhiều cây to, cột đèn chiếu sáng để tự học.
 Khi ở Luân Đôn, Bác đã dành nhiều thời giờ nghiên cứu lịch sử thế giới và suy nghĩ về tương lai các dân tộc thuộc địa. Vừa học tiếng Anh, vừa tìm hiểu nền văn hoá, lịch sử Anh và Mỹ. Riêng tài liệu nói về nước Mỹ của Bác có hàng mấy trăm bài, với các thể loại khác nhau, đề cập toàn diện và sâu sắc về nước Mỹ. Với Bác, việc học tiếng Anh, đọc nhiều sách báo của Mỹ để hiểu tường tận hơn thế giới và lãnh đạo cách mạng một cách khoa học hơn.
 Quá trình học tiếng Pháp và tiếng Anh là bước khởi đầu trên hành trình tìm đường cứu nước của Bác. Ý chí mãnh liệt, vượt mọi trở ngại khó khăn, khắc nghiệt, kiên trì tìm phương pháp học ngoại ngữ đã giúp Người tìm thấy chìa khóa giao tiếp và mở mang văn hóa, đến với ánh sáng chân lý, tìm ra con đường và phương pháp cách mạng Việt Nam.
 Trong xu thế giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay, vốn ngoại ngữ ngày càng đóng vai trò quan trọng, đó là cầu nối Việt Nam với thế giới, là con đường để chúng ta tiếp cận các giá trị văn minh nhân loại, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế. Học ngoại ngữ theo gương Bác chính là việc làm thiết thực để mỗi chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

                                                                                                                                                                                                                         

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,645
  • Tháng hiện tại23,815
  • Tổng lượt truy cập851,803
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây