Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước - Ngày 30 tháng 4, trên mạng xã hội lại xuất hiện một số bài viết có tính chất “xét lại lịch sử”, phủ nhận thành quả cách mạng với luận điệu: “Không cần có ngày 30/4/1975, vấn đề miền Nam Việt Nam không cần đến 20 năm nội chiến tàn khốc mà chỉ cần đàm phán hoà bình cũng có thể thống nhất đất nước!” hay “Những tiến bộ của một nền dân chủ phôi thai và xã hội dân sự tại miền Nam hoàn toàn bị Cộng sản Việt Nam dập tắt sau năm 1975”. Đây hoàn toàn là một luận điệu xuyên tạc hồ đồ, không đúng với thực tế lịch sử Việt Nam. Sự thật là Đảng ta đã dốc sức cho việc đàm phán hoà bình, nhưng cũng giống như tình hình năm 1946, chúng ta càng ra sức nhân nhượng, kiên trì đàm phán hoà bình thì thực dân Pháp ngày càng lấn tới, buộc các tầng lớp Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phải cầm súng chiến đấu suốt ròng rã 09 năm trời, hoà bình mới có thể lập lại ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được giải phóng.
Ngay sau khi giải phóng miền Bắc, Đảng ta đã có chủ trương giải phóng miền Nam bằng cách thức đàm phán hoà bình với Mỹ - Diệm, được thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 mở rộng khoá II năm 1959 và các Nghị quyết của Đảng về miền Nam Việt Nam. Hội nghị Trung ương 15 nhận định: “Chủ trương của Đảng ta giữ vững hoà bình ở Việt Nam, thực hiện thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình, chủ trương ấy gắn liền với chủ trương chung nói trên của phe xã hội chủ nghĩa”. Đây là chủ trương vô cùng hợp lý, hợp tình, hợp với ý nguyện của Nhân dân ta và tôn chỉ của phong trào hoà bình thế giới. Do đó, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên tốt đẹp, thế nhưng vào thời điểm năm 1960 của thế kỷ XX, mâu thuẫn giữa ta và Mỹ ngày càng sâu sắc bởi tính chất xâm lược của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Do vậy, cần phải phân biệt rõ giữa đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và những người dân Mỹ yêu chuộng hoà bình và ủng hộ người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm vẫn cố tình hoàn tất việc xâm lược, đàn áp Nhân dân và phong trào cách mạng tại miền Nam Việt Nam, ngăn cản quá trình thống nhất đất nước, chuẩn bị cho quá trình xâm lược miền Bắc, đặt cả dân tộc Việt Nam dưới ách thống trị của chúng. Chừng nào còn Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam thì tình trạng đất nước bị chia cắt và xảy ra chiến tranh vẫn còn tồn tại. Vì vậy, để thực hiện thống nhất nước nhà và có một nền hoà bình thực sự tại Việt Nam thì Nhân dân ta không có con đường nào khác ngoài việc tích cực xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa song hành cùng đấu tranh cách mạng gian khổ tại miền Nam để bảo vệ quyền sống hằng ngày và tiến lên đánh đuổi Mỹ và chính quyền tay sai khỏi miền Nam khi có những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi. Nếu Mỹ - Diệm quyết gây chiến tranh xâm lược miền Bắc thì toàn dân ta, từ Bắc chí Nam sẽ kiên quyết bảo vệ miền Bắc - thành trì cách mạng của cả nước bằng bất cứ giá nào, tiến hành lật đổ Mỹ - Diệm, hoàn thành việc thống nhất Tổ quốc. Tóm lại, hoà bình, thống nhất, độc lập là nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Cần nhắc lại về Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ngày 21/7/1954, Pháp kí vào bản hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam và bán đảo Đông Dương. Theo hiệp định thì đất nước Việt Nam sẽ “tạm thời” chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia tạm thời để đến năm 1956 sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Bắc vĩ tuyến 17 sẽ do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, Nam vĩ tuyến 17 sẽ là nơi Pháp tập kết quân và rút dần về nước cũng như chuyển giao dần quyền lực cho chính phủ bù nhìn do Bảo Đại quản lý tạm thời cho đến khi tổng tuyển cử. Hiệp định cũng khẳng định rằng: “Vĩ tuyến 17 không phải là biên giới quốc gia mà là ranh giới tạm thời và sẽ được xóa bỏ vào năm 1956 khi tổng tuyển cử diễn ra” nhưng sau đó đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp nhảy vào Việt Nam…
Lợi dụng Pháp đang bị kiệt quệ sau chiến tranh nên Mỹ đã ra sức ép để buộc Pháp trao quyền và tiến vào Việt Nam với ý đồ xâm lược. Sau khi vào Việt Nam, Mỹ ép Pháp ra lệnh cho Bảo Đại phế truất người em Bửu Lộc đang là Thủ tướng và dần đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về nước chấp chính thay Bảo Đại và lập ra một “chính phủ tay sai” với một cái tên mĩ miều hơn là “ Việt Nam Cộng Hòa” vào năm 1955.
Sau khi nắm trọn quyền hành trong tay, Ngô Đình Diệm dưới sự chỉ đạo của Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ban đầu, dưới kịch bản của cựu nhân viên CIA - chuyên gia tâm lý chiến Mỹ là Edward Lansdale, từ cuối năm 1954, chúng đã tạo ra cuộc di cư lịch sử của khoảng 2 triệu đồng bào giáo dân Công giáo từ các tỉnh miền Bắc vào miền Nam với tin đồn “Chúa đã vào Nam” hay các lời sấm truyền cho rằng miền Bắc sẽ xảy ra đại nạn, những ai không đi vào Nam sẽ gặp tai hoạ “mười phần chết bảy còn ba, phần ba còn lại chẳng ra hồn người” hay chúng đã tiến hành dùng máy bay rải truyền đơn với những lời đe doạ sẽ tiến hành ném bom hạt nhân vào miền Bắc Việt Nam, những ai đi sớm thì còn đường mà sống sót. Dĩ nhiên âm mưu sau cùng vẫn là việc chiếm được một số lượng phiếu bầu đủ lớn để làm đối trọng trong cuộc bầu cử đối với phía Đảng Cộng sản ở miền Bắc Việt Nam.
Để chắc chắn hơn, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử vì theo nhiều cuộc thăm dò của Mỹ thì nếu tổng tuyển cử diễn ra thì Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đạt trên 80% số phiếu bầu của Nhân dân. Đồng thời, Mỹ ra sức củng cố lực lượng quân đội với 200.000 quân thường trực cùng với 100.000 Cảnh sát dã chiến, sẵn sàng đàn áp mọi cuộc biểu tình đòi tổng tuyển cử. Sau đó, Diệm bắt đầu tấn công vào Việt Minh cũng như những người theo Việt Minh xưa kia. Hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã thi hành nhiều chính sách nhằm tách Việt Minh ra khỏi Nhân dân bằng cách ép những người vợ có chồng theo Việt Minh đang tập kết ngoài Bắc phải ký vào đơn ly hôn. Diệm cũng tiến hành đặt những người Cộng sản ra khỏi vòng pháp luật bằng việc thi hành đạo luật “10/59”, lê máy chém đi khắp miền Nam, giết chết hàng ngàn người bao gồm cả đảng viên và những người dân vô tội mà chúng nghi ngờ theo Cộng sản.
Với một hệ thống cố vấn chặt chẽ cùng với sự hậu thuẫn từ đế quốc siêu cường Mỹ về sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế bậc nhất lúc bấy giờ, chính quyền Ngô Đình Diệm và sau này là Nguyễn Văn Thiệu gần như trở thành “quân cờ chính trị”, muốn tồn tại phải bám rễ vào Mỹ, hoàn toàn tuân theo sự chỉ đạo của Mỹ. Do đó, sự can thiệp của Mỹ và quân đồng minh vào miền Nam Việt Nam ngày càng rõ rệt, chi phối hầu như toàn bộ các mặt đời sống kinh tế, chính trị và quân sự tại đây. Có thể nói chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền độc tài, bù nhìn, hiếu chiến, là tay sai của đế quốc Mỹ, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, sẵn sàng bán rẻ sinh mạng của đồng bào, lợi ích dân tộc để đổi lấy những đồng Dollar. Trung ương nhận định: “Trong xã hội miền Nam thuộc địa và nửa phong kiến, có hai mâu thuẫn cơ bản. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa Nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ. Thứ hai là mâu thuẫn giữa Nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Trong giai đoạn đó, mâu thuẫn chủ yếu ở miền Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc ta, Nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược Mỹ cùng tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, đại diện cho bọn địa chủ phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất”. Hội nghị Trung ương lần thứ 15 năm 1959 đề ra nhiệm vụ cơ bản và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam ở miền Nam: “Thứ nhất, nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thứ hai, nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của Nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.” Để giành được thắng lợi, phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam là “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Đó là mục tiêu phấn đấu của Nhân dân miền Nam hiện nay. Vì chế độ thống trị của Mỹ - Diệm dựa vào vũ lực để tồn tại, mà chúng ta thì phải dựa vào lực lượng quần chúng, lấy lực lượng quần chúng đánh đổ chúng, cho nên muốn đạt được mục tiêu đó, cần phải có một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ, phải tích cực xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, thì mới có thể có điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi cuối cùng.”
Để đảm bảo cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam thành công, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, đó là vấn đề chủ yếu có tính chất quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Đảng tiến tới thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm rộng rãi, lấy liên minh Công - Nông làm cơ sở, bao gồm tất cả các lực lượng yêu nước ở miền Nam, tranh thủ mọi người có thể tranh thủ được, ngay cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm trong chính quyền của đối phương. Mặc dù Đảng rất kiên trì với phương pháp đấu tranh theo con đường hoà bình nhưng khả năng đó không thể thực hiện được do sự ngoan cố của Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam, buộc Nhân dân ta phải cầm súng chiến đấu, đó là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước trường kì, gian khổ, kéo dài suốt hơn 20 năm đau thương và anh dũng. Cuối cùng, Nhân dân ta đã ghi được dòng chữ vàng “ĐỘC LẬP, TỰ DO” lên lá cờ đại nghĩa của mình. Trong thời gian ấy, đất nước ta đã trải qua những thử thách cực kì cam go, quyết liệt, năm tháng sẽ qua đi nhưng thắng lợi của nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ mãi được ghi trong lịch sử dân tộc ta như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời cho sự thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trí tuệ và con người Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong thế kỉ XX.
Chính vì vậy, có thể nói sự kiện ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử có tính tất yếu. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng quân đồng minh và bè lũ tay sai nguỵ quân, nguỵ quyền trường kì với rất nhiều đau thương, mất mát của dân tộc nhưng cũng cực kì vinh quang. Khó có thể tìm thấy một đất nước nào có thể chiến thắng không những thực dân Pháp mà còn là siêu cường quân sự Mỹ bằng “đôi chân trần và ý chí thép”. Mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng chỉ càng thể hiện sự cay cú của những kẻ “ăn mày quá khứ” lưu vong gần đất xa trời và đám chống đối, cơ hội chính trị với âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của người dân Việt Nam./.
Tác giả bài viết: Minh Hoàng – Phòng Tổ chức cán bộ
Nguồn tin: congan.daklak.gov.vn
Ý kiến bạn đọc