60 năm kể từ ngày quân đội Mỹ phun rải hàng triệu lít chất độc hóa học cực độc xuống nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, cho đến nay, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn còn hiển hiện, âm thầm phá hoại môi trường sống và cướp đi tính mạng của nhiều thế hệ nạn nhân da cam.
Chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 thậm chí là thứ 4 của họ tiếp tục nếm trải những đau thương, mất mát ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm…
Trong suốt hơn 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã phun rải hơn 80 triệu lít chất độc diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin xuống các thôn làng, đồng ruộng và rừng cây ở miền Nam Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu ha.
Hành động đó đã để lại những hậu quả nặng nề, dai dẳng đối với cả môi trường và con người, gây nên một thảm họa vô cùng thảm khốc làm chấn động dư luận quốc tế và lương tâm nhân loại.
Thảm họa hóa học
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn, vũ khí gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng; biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc.
Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, năm 1961, Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam.
Các chỉ huy quân sự Anh - những người đã tiến hành rải chất độc hóa học ở Malaysia những năm 50 như: Gerald Templer, Rob Lockhart, Robert Thomson... được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand - Chiến dịch Bàn tay dài) và phổ biến trong quân đội Mỹ cùng nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường.
Mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh. Các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 3,06 triệu ha đất của của miền Nam Việt Nam (gần bằng 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ). Trong số đó, 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm. Đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn. Một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển.
Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, Cà Mau bị phá hủy nặng nề. Vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.
Từng tham gia chiến đấu ở địa bàn Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai trong khoảng thời gian từ tháng 2/1965-30/4/1975, ông Bùi Vinh Dự (Quảng Ngãi) cho biết ông đã chứng kiến nhiều phi vụ Mỹ rải chất độ da cam.
“Chúng thực hiện từ sáng sớm, lúc trời còn sương. Trước khi rải, chúng dùng một tốp phản lực ném bom dọn đường, tiếp sau là ba đến bốn chiếc máy bay vận tải, mỗi chiếc có tám vòi phun, bay hàng ngang phun chất độc da cam. Chất độc rơi xuống như mưa phùn trên cả một vùng rộng lớn, bất chấp rừng núi, giáp ranh đồng bằng, ruộng vườn cây ăn quả… Thậm chí có những khi hành quân, chúng tôi cũng bị chúng rải chất độc xuống làm ướt cả balô đồ đạc quần áo," ông Dự nói.
"Chất độc da cam có mùi rất khó chịu. Lúc đó, ai cũng nghĩ nó chỉ diệt màu xanh của cây cối, làm cho trống trải để dễ bề phát hiện Quân Giải phóng hoạt động. Mọi người cũng nghĩ có thể gây hại cho sức khỏe nhưng thấy chưa chết người là tốt rồi. Tất cả tập trung chính vào nhiệm vụ chiến đấu, giành cho được độc lập, giải phóng miền Nam," ông Dự chia sẻ.
Hiện nay, các loại chất độc hóa học do quân đội Mỹ phun rải vẫn còn tồn lưu trên một số địa bàn ở miền Nam Việt Nam và đang là các nguồn gây ô nhiễm nguy hại.
Một số kho, bãi tại các sân bay quân sự cũ của quân đội Mỹ và đồng minh trước kia hiện vẫn là các "điểm nóng“ ô nhiễm chất độc hóa học với hàm lượng dioxin vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần như các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát…
Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp-TEQ.
Nồng độ trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp-TEQ (trong khi nồng độ cho phép ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 - 0,7 tpp-TEQ).
Ngoài ra, những nơi máy bay chở chất diệt cỏ bị tai nạn, nơi tập trung để rửa máy bay sau mỗi chuyến đi phun råi cũng là những khu vực có mức độ ô nhiễm cao.
Nỗi đau da cam
Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên, con người được tổ chức tại Hà Nội năm 1993, nhiều nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã khẳng định: “Chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ, hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề, gây nên nhiều biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật, gây các bệnh ung thư."
Tháng 7/2009, Báo cáo của Viện Y học Mỹ đã chứng minh sự liên hệ giữa việc bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với 5 loại bệnh: ung thư mô mềm, u lympho lành tính, bạch cầu u lympho mãn tính (bao gồm cả bệnh bạch cầu mô lông), ung thư và chứng ban clor.
Báo cáo nêu lên nhiều bằng chứng về mối liên quan với ung thư thanh quản, ung thư đường hô hấp và tiền liệt tuyến, đa u tủy, chứng thoái hóa dạng tinh bột AL, bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh Parkinson, tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, tiểu đường type 2, tật nứt đốt sống...
Bộ Y tế đã xác định 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.
Theo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, ước tính có tới 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng về sức khỏe do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trong đó, ít nhất có 150.000 trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh và ít nhất 1 triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất độc da cam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chia sẻ chất độc da cam đã tác động đến thế hệ thứ 2, 3 và đang di nhiễm sang thế hệ thứ 4 của người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Đây là tác động hết sức nghiêm trọng đến sức khỏe con người, để lại cho dân tộc ta, nhất là những nạn nhân da cam nhiều đau thương, mất mát và vất vả.
Hiện nay, rất nhiều gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên, thậm chí có 7-8 người trong cùng gia đình đều là nạn nhân của loại chất độc này. Chất độc da cam khiến cho nhiều nạn nhân không còn duy trì được nòi giống. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết. Cả triệu người khác đang vật lộn hàng ngày với những căn bệnh quái ác.
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây và con cháu của họ cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm, di chứng chất độc da cam như: liệt, teo cơ một phần hoặc toàn cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, biến đổi gen gây dị dạng, dị tật bẩm sinh.
Theo Đô đốc Elmo Zumwalt, nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (giai đoạn 1968-1970), có ít nhất 2.100 binh sỹ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, khoảng 100.000/300.000 lượt binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân của chất độc hóa học này, trong đó hơn 20 nghìn người đã chết.
Theo các nhà khoa học, chất độ da cam có thể có tác động lâu dài lên tới hàng trăm năm; ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và số lượng thế hệ bị di chứng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 4. Thảm họa da cam chính là thảm họa hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại./.
Tác giả bài viết: Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc