Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Thứ năm - 11/07/2024 10:11 245 0
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bài học “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ luôn khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân - nền tảng của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, qua gần 40 năm đổi mới, những bài học về “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng được Đảng ta bồi đắp, hoàn thiện hơn cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về vị trí, vai trò của Nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Quan niệm về “Dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất rộng, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân là mọi người dân nước Việt, là mỗi người “con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu - nghèo, quý - tiện, trong đó công - nông chiếm tuyệt đại đa số - đó là nền tảng của quốc dân. Người thường gọi Nhân dân bằng nhiều cách gọi khác nhau, như “dân”, “dân ta”, “dân chúng” hay “đồng bào”, thể hiện sự gần gũi và dễ hiểu. Trong nhiều bài viết, bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, sức mạnh của Nhân dân, căn dặn “Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”1, bởi “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa”2.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên dự Lễ gắn biển Nhà đại đoàn kết  cho gia đình ông Cứ Nhìa Sùng, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ.

Truyền thống “trọng dân” - một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được Đảng ta kế thừa và phát huy, là tiền đề để Đảng ta khẳng định vai trò, vị trí của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”3; “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”4; “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”5. Đảng có sứ mệnh cao cả lãnh đạo Nhân dân, song toàn bộ sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Sức mạnh của Nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ, tối đa khi được một Đảng thật sự cách mạng lãnh đạo. Chỉ khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới có thể trở thành sức mạnh vô địch. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có được những thành tựu đó là nhờ sự kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để huy động sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trải qua các nhiệm kỳ, trong văn kiện Đại hội, Đảng ta đều tập trung nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đại hội XIII, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng ta xác định vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của Nhân dân với phương hướng “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”6; “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”7. Có thể thấy, tại Đại hội XIII của Đảng, quan điểm này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt và bao trùm trong văn kiện, trên tất cả các nội dung, lĩnh vực, từ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đến việc tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, để thực hiện quan điểm này một cách hiệu quả, thiết thực, Đại hội XIII đã cụ thể hóa thành những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp có tính tổng thể, bao trùm và liên quan trực tiếp đến lợi ích “thụ hưởng” của mọi người dân. Điều đó thể hiện tính ưu việt, nổi trội và bản chất tốt đẹp, nhân văn của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân8. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ hơn quan điểm “Nhân dân là trung tâm” của Đảng ta, nhấn mạnh “… chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lợi thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”9. Những quan điểm này đã một lần nữa khẳng định trong quá trình phát triển nhận thức lý luận và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, Nhân dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng hướng vào vị trí trung tâm là Nhân dân, phải khơi thông những nguồn lực và sự sáng tạo của Nhân dân, tạo sự chuyển động tích cực của Nhân dân. “Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”10.

Một số nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay

Đại hội XIII của Đảng khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn đó chính là kết quả của ý chí, quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Với các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung nhiều nội dung mới, tập trung đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, trong đó Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt. Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện trong tình hình mới.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tặng quà cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Tuyên Quang.

Dự báo trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và những khó khăn, thách thức đan xen. Để giảm thiểu tối đa những vấn đề phát sinh có thể tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo công bằng xã hội,… trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể cần quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, kiên định bài học “Dân là gốc”, đảm bảo thực chất, chặt chẽ trong xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Là một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nhận thức, phát triển lý luận về bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng, quan điểm của Đảng khẳng định qua văn kiện các kỳ Đại hội kể từ khi tiến hành đổi mới đất nước năm 1986 đến nay. Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, mối quan hệ chính trị - pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được xây dựng, ngày càng hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong mối quan hệ với Nhân dân tại Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Hiến pháp cũng quy định rõ tại Điều 2, Điều 3: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Hai là, đảm bảo nguyên tắc “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được khẳng định tại văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994). Đến năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên thuật ngữ này được hiến định, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực hóa việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Từ đó đến nay, vấn đề xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trở thành một nội dung quan trọng trong đường lối của Đảng và dần được hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Cùng với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đã từng bước xây dựng và hoàn thiện lý luận về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; khẳng định xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình tiếp cận, vận dụng có chọn lọc giá trị tốt đẹp của các nền dân chủ đương đại vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong đó vấn đề trọng tâm là phát huy vai trò, vị trí của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, phương châm công tác dân vận trong thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung 2 nội dung quan trọng là “dân giám sát, dân thụ hưởng” và hoàn thiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”11. Đây là một điểm mới, nổi bật của Đảng ta trong vai trò là đảng cầm quyền duy nhất, đã nhấn mạnh quyền lực thuộc về Nhân dân, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định các hình thức thực hiện dân chủ đã từng bước được hoàn thiện và được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể xã hội, các cơ quan dân cử được mở rộng. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm quyền dân chủ được chú trọng. Đảng luôn sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; đã tập trung lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; quyết liệt triển khai cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tạo cơ chế thuận lợi để Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội; tổ chức có hiệu quả, thực chất việc Nhân dân tham gia giám sát, góp ý đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Ba là, lấy Nhân dân làm trung tâm trong xây dựng, hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân - đây là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Quan điểm về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, kế hoạch 5 năm và hằng năm; thể hiện trong từng giai đoạn, từng thời kỳ gắn với những chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước.

Trong suốt quá trình đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã tạo được sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương và đạt được những thành tựu vượt bậc. Từ một đất nước với cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn mình trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; Nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm. Theo số liệu thống kê công bố đầu năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 433,7 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, tăng khoảng 50 lần so với năm đầu thực hiện đổi mới. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD (năm 1986 là 150 USD)12. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 giảm xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện còn khoảng 33%. Đặc biệt, trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhanh nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN, đứng thứ 40 trên thế giới13… Những kết quả, thành tựu đã đạt được là minh chứng cho việc Đảng, Nhà nước luôn không ngừng nỗ lực để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, hướng về Nhân dân, lấy Nhân dân làm trung tâm trong xây dựng, hoạch định chủ trương, đường lối và ban hành các chính sách, pháp luật trong thực tiễn.

Bốn là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận; phát huy cao độ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn mới.

Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “Dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiên trì thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đảng đã chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. 94 năm có Đảng, qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước là chặng đường vinh quang với sự thể hiện sinh động sự gắn kết Đảng với Nhân dân là một, thực tiễn đã chứng minh, đây không phải là khẩu hiệu mà là bản chất mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân - “ý Đảng, lòng Dân”. Nhân dân luôn là nhân tố quyết định sức mạnh của Đảng và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thông qua mối quan hệ này, Đảng đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền; tập hợp, phát huy được sức mạnh, trí tuệ và lực lượng to lớn của Nhân dân để thực hiện công cuộc đổi mới ngày càng hiệu quả, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Xuất phát từ thực tiễn, từ nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Dân để xây dựng Đảng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cội nguồn của các thành tựu đó là do Ðảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với xu thế, quy luật vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo, cầm quyền; phù hợp với lợi ích, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,655
  • Tháng hiện tại49,610
  • Tổng lượt truy cập1,350,874
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây