Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đẩy nhanh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.
Để thực hiện âm mưu, thủ đoạn đó, các thế lực thù địch xác định coi Quân đội Nhân dân Việt Nam là một mục tiêu tập trung chống phá nhằm “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa, làm mất sức chiến đấu, quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng, phân rã về tư tưởng, lỏng lẻo về tổ chức, mơ hồ về đối tác, đối tượng; cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; đưa ra mô hình quân đội của một số nước và viện dẫn “lý luận” để chứng minh quân đội không liên quan đến chính trị. Vì vậy, đập âm mưu “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch đã trở thành một nội dung cơ bản trong công tác tư tưởng, lý luận ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay.
Về bản chất, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của kẻ thù nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ đó, làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các bước tiếp theo giống như kiểu “Cách mạng hoa hồng”, “Cách mạng cam”, “Cách mạng đường phố” đã được thực hiện thành công ở một số nước.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. |
Tuy nhiên, quân đội với bề dày lịch sử 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng thì việc làm cho quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu là điều không dễ dàng.
Do vậy, để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, thủ đoạn của địch rất đa dạng, tinh vi và nguy hiểm. Một mặt, tiến công vào quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trước sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những tác động tích cực thì quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế không thể không chịu sự tác động từ mặt tiêu cực, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, xã hội, thậm chí cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Hiện các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và những yếu kém, khó khăn trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước để kích động, lôi kéo gâỵ chia rẽ giữa Đảng với Nhân dân, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.
Không chỉ tấn công trực diện vào chính trị, mà địch còn tiến công thông qua việc triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, nhất là thông qua các trang mạng xã hội, thông qua Internet; thông qua các đoàn khách quốc tế, các tổ chức có quan hệ với Việt Nam; thông qua việc gửi cán bộ, nhân viên đi nghiên cứu, tham quan, học tập ở nước ngoài và việc người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều với nhiều mục đích khác nhau. Các thế lực thù địch đang và sẽ tiếp tục tấn công vào lối sống, truyền bá chủ nghĩa thực dụng, chạy theo đồng tiền, hưởng thụ và buông thả, thờ ơ của lãnh đạo, không quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội tạo ra khoảng trống về ý thức hệ, làm cho hệ tư tưởng tư sản ngày càng thẩm thấu, xâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ mơ hồ, mất cảnh giác, suy yếu dần, từ đó làm suy giảm bản chất cách mạng, suy giảm về bản chất chính trị, đó là sự bắt đầu của quá trình “phi chính trị hóa”, làm cho quân đội trượt dần sang chính trị phản cách mạng.
Để đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ở đơn vị cơ sở, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa”.
Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng có ý nghĩa quyết định đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở trong quân đội. Thực chất tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của quân đội; là quá trình làm cho quân đội quán triệt sâu sắc chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng vào quân đội, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội “Tinh, gọn, mạnh”; là nâng cao chất lượng chính trị, sức mạnh tinh thần làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội. Bảo đảm cho các đơn vị cơ sở tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc và Nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảm bảo cho Đảng lãnh đạo quân đội chặt chẽ từ trên xuống dưới, bao quát trên mọi phương diện, mọi hoạt động, trong mọi tình huống theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội”. Các đơn vị cơ sở tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao ý chí, quyết tâm, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, một vấn đề cấp bách hiện nay là phải xây dựng các tổ chức đảng ở các đơn vị cơ sở trong quân đội thật sự trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Điều đó được thể hiện ở sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao giác ngộ giai cấp cho cán bộ, chiến sĩ trong đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa”.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Kể từ khi thành lập đến nay, quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Vì vậy, giáo dục chính trị tư tưởng, giác ngộ giai cấp cho cán bộ, chiến sĩ trở thành một nội dung quan trọng, không thể thiếu, nhằm trang bị tri thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội và đơn vị, âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Trên cơ sở đó, giáo dục mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ vào sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm, nguyên tắc và phương châm đối ngoại quân sự, quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 806 - NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Sự giác ngộ giai cấp sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở có tác dụng trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của tư tưởng thù địch, phản động, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” của kẻ thù. Coi trọng giáo dục giác ngộ giai cấp phải đi đối với giáo dục giác ngộ chủ nghĩa yêu nước, bồi dưỡng tình cảm đối với quê hương đất nước, con người Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ. Có như vậy, mới bảo đảm cho quân đội gắn bó với Tổ quốc, với Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Ba là, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trước âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” của kẻ thù.
Cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà còn có ý nghĩa trực tiếp làm thất bại âm mưu “phi chính tri hóa” khi chúng mới bắt đầu manh nha xâm nhập vào đơn vị cơ sở. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ được thể hiện ở sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới đất nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các nguyên tắc, tổ chức và sinh hoạt đảng nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; có ý chí quyết tâm cao, nhạy bén sắc sảo về chính trị, năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp tác phong công tác tốt, có lối sống trong sạch, giản dị, khiêm nhường, không bị tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, không bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không ngại khó, ngại khổ, ngại học tập, rèn luyện, thiết thực nâng cao trình độ, năng lực toàn diện, đáp ứng với đòi hỏi của quá trình hội nhập và phát triển. Trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở kiên quyết không bị lợi dụng mua chuộc, lôi kéo, ủng hộ, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động làm biến chất cán bộ, chiến sĩ, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù, chống lại Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả các hoạt động đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, góp phần làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” của kẻ thù.
Để phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội, cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, phải thường xuyên quan tâm, theo dõi bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau với cơ chế thích hợp để phòng, chống hệ tư tưởng và lối sống tư sản với mọi biểu hiện đa dạng, tinh vi hàng ngày, hàng giờ xâm nhập vào cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội. Đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa trở thành một mặt trận xung yếu, nóng bỏng, phức tạp với cường độ ngày càng gia tăng hiện nay. Hiệu quả của cuộc đấu tranh quyết định bản chất chính trị - giai cấp, vai trò sứ mệnh lịch sử của quân đội trong quá trình hội nhập và phát triển. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải chú trọng và thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ có đủ phẩm chất, năng lực, nhanh nhạy, sắc bén trong đấu tranh; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với đấu tranh trên lĩnh vực khác, làm hạn chế và tiến tới xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, không bị lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá.
Thực hiện tốt các vấn đề nêu trên có ý nghĩa cơ bản, thiết thực, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, xây dựng các đơn vị cơ sở trong quân đội vững mạnh về chính trị, xứng đáng là lực lượng chiến đấu trung thành, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tác giả bài viết: ThS Phạm Văn Minh, ThS Vương Đức Thương - Học viện Chính trị
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc