Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Thứ năm - 08/09/2022 21:23 421 0
(ĐCSVN) – Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2022), UBND tỉnh Quảng Nam (quê hương Phan Châu Trinh) sẽ tổ chức một số hoạt động kỷ niệm, trong đó có Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh”.
 TS.Nguyễn Minh Phương - Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: ĐT)

Trước thềm các hoạt động kỷ niệm này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Minh Phương - Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng về chủ trương hiện đại hoá nền văn hoá, giáo dục ở Việt Nam của Phan Châu Trinh.  

Theo TS.Nguyễn Minh Phương, Phan Châu Trinh cùng với Phan Bội Châu là hai chí sĩ tiêu biểu nhất của phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Mục tiêu cuối cùng trong công cuộc cứu nước của Phan Châu Trinh là giành độc lập dân tộc, dân chủ và dân quyền về mọi mặt cho nhân dân Việt Nam.

Để đạt mục tiêu trên, Phan Châu Trinh chủ trương trước hết phải tiến hành “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đẩy mạnh cuộc canh tân về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục nhằm tạo ra thực lực để đi đến “đánh đổ cường quyền áp chế”. “Chấn hưng và hiện đại hóa nền văn hóa, giáo dục của dân tộc là một vấn đề lớn trong chủ thuyết phát triển đất nước của Phan Châu Trinh: chủ thuyết Tam dân. Đây là vấn đề cần làm sáng tỏ về cơ sở, nội dung và giá trị lịch sử”- TS. Nguyễn Minh Phương nhận định.

Nhắc lại bối cảnh lịch sử thời điểm Phan Châu Trinh đưa ra chủ thuyết Tam dân, TS. Nguyễn Minh Phương cho rằng: Đến cuối thể kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị. Sự thống trị của Pháp có tính hệ thống, không chỉ về chính trị, quân sự, kinh tế mà còn cả về văn hóa, giáo dục với mưu đồ đồng hóa và ngu dân, nhằm biến Việt Nam trở thành thuộc địa khai thác bậc nhất của đế quốc Pháp theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thái thực dân.

“Sự thất bại của phong trào Cần Vương (1885 - 1896), cho thấy sự bất lực của chế độ phong kiến trước các nhiệm vụ lịch sử. Dân tộc Việt Nam đòi hỏi phải có một con đường cứu nước mới. Cuộc đấu tranh chống Pháp gắn liền với cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến lạc hậu. Cuộc đấu tranh không chỉ trên lĩnh vực chính trị - quân sự, mà còn cả trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục với phương thức kết hợp cứu nước với duy tân nhằm tạo ra thực lực để đi đến giành độc lập tự do. Chính yêu cầu lịch sử này đã dẫn đến sự ra đời của phong trào Duy Tân Việt Nam đầu thế kỷ XX, mà người khởi xướng chính là chí sĩ Phan Châu Trinh” - TS. Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh và khẳng định: Năm 1902, Phan Châu Trinh bắt đầu tiếp cận tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây qua lăng kính của các nhà cải cách Trung Quốc (Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu) và tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch. Ông đã tiếp thu, bổ sung, phát triển và tổng hợp thành chủ thuyết “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, mà nội dung của nó gắn liền với vấn đề canh tân văn hóa, giáo dục theo xu hướng hiện đại với mục đích tân dân.

Nói đến chủ trương canh tân về giáo dục của Phan Châu Trinh, TS. Nguyễn Minh Phương nhận định: Trong ba nội dung của chủ thuyết của Phan Châu Trinh, khai dân trí được xem là hàng đầu. Cơ sở của quan điểm này là do Phan Châu Trinh thấy được nguyên nhân của sự lạc hậu của dân tộc Việt Nam chủ yếu là do chế độ phong kiến làm cho “người ngu, nước yếu”, làm cho dân tộc Việt Nam mất nước.

Đồng thời, Phan Châu Trinh cũng nhìn thấy nguyên nhân của sự lạc hậu của nhân dân Việt Nam lúc đó là ở thế lực xâm lược Pháp với thủ đoạn ngu dân. Do đó người Việt Nam phải học và phải biết học. Khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy học chữ quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục và thói xa hoa.

Phan Châu Trinh thấy được hạn chế của Nho học nên phê phán giáo dục khoa cử. Trong bài nhan đề “Hiện trạng vấn đề: Chi bằng học” đăng trên Đăng Cổ tùng báo năm 1907, Phan Châu Trinh đưa ra quan điểm: “Chi bằng học” lên án việc học chữ Hán ở nước ta từ trước là cái học “ù ù cạc cạc”, “khiến cho con người tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn”. Và với Tây học Phan Châu Trinh cũng cho rằng chẳng ra gì. Đã thế, chính quyền thực dân phong kiến còn tìm cách ngăn cản, hạn chế việc học. Do đó cái học ở Việt Nam là cái học chẳng ra gì, thua kém thế giới.

“Vì vậy, Phan Châu Trinh đau đáu với việc xây dựng lối học mới, học tập các tri thức khoa học thực dụng, sử dụng chữ quốc ngữ và khởi xướng phong trào chấn hưng văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu” - TS. Nguyễn Minh Phương nhận định.

Về mục đích giáo dục, TS. Nguyễn Minh Phương cho biết: Phan Châu Trinh xuất phát từ quan điểm dân chủ, phải theo tinh thần của tự do dân chủ; phải “tự lực khai hóa”. Muốn được như vậy, phải biết học thế giới, phải học sự tiến bộ trên hoàn cầu. Phan Châu Trinh cho rằng, tất cả các nước trên thế giới đều có những cái hay riêng cho ta học tập. Ta học cả Á, Âu, Mỹ, nhất là học những nước chung quanh ta.

Về nội dung học tập, tuy chưa đưa ra được chương trình học tập cụ thể, nhưng trong một số văn kiện, thi ca, Phan Châu Trinh nêu lên một số nhiệm vụ rõ ràng. Trong thư gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1906, Phan Châu Trinh yêu cầu người Pháp thi hành nhiều chính sách để nâng cao trình độ quốc dân. Đó là các vấn đề: Đổi pháp luật; Dạy lớp sư phạm; Bỏ khoa cử; Học công thương; Mở trường học; Học mỹ nghệ; Đặt tòa tu thư.

Mở mang dân trí là tiền đề cho xây dựng xã hội dân chủ. Đây là nền tảng để đi đến giành độc lập tự do. Do đó, vấn đề dân chủ dân quyền là một trong những nội dung giáo dục do Phan Châu Trinh đề xướng. Phan Châu Trinh rất quan tâm đến thực học, thực nghiệp, học nghề. Trong học nghề, trước hết cần học những nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nhưng cần có cải tiến về kỹ thuật mẫu mã, cần phải rút kinh nghiệm của người Âu Mỹ để cho hàng hóa của ta có thể tinh xảo hơn.

Quan điểm canh tân giáo dục của Phan Châu Trinh toát lên vấn đề “cần học và biết học” những nội dung, vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội, không chỉ tiếp cận tri thức trong nước mà còn phải tiếp cận tri thức của thế giới và khu vực. Tư tưởng khai dân trí, quan điểm giáo dục của ông nhanh chóng chuyển thành phong trào, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội vào giữa thập niên đầu thế kỷ XX. Ngay cả khi thực dân Pháp ngăn cấm thì tinh thần “khai dân trí” của Phan Châu Trinh đã lan tỏa đến một bộ phận không nhỏ người Việt Nam. Và mở trường học theo lối tân học là hình thức cơ bản nhất để khai dân trí. Năm 1906, sau chuyến đi Nhật về, Phan Châu Trinh gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương vạch trần chế độ phong kiến thối nát, yêu cầu sửa đổi chính sách cai trị để giúp nhân dân Việt Nam tiến lên văn minh. Theo đó, với chủ trương “tự lực khai hóa”, Phan Châu Trinh cùng những người đồng chí hướng đi khắp nơi vận động duy tân.

Tại Quảng Nam, có đến 48 trường, với các trường tân học nổi tiếng như Diên Phong, Phú Bình, Phú Lâm… Từ Quảng Nam, phong trào lập học hội, mở trường tân học lan tỏa khắp các tỉnh Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Năm 1907, “thương hội, học hội rầm rầm rực rỡ ở Nam Ngãi”. Năm 1906, sau khi đi Nhật về, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu gặp các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Bắc Kỳ vận động mở Đông Kinh Nghĩa Thục giống như Khánh Ứng Nghĩa Thục thời Minh Trị ở Nhật Bản. Ông đã đến giảng dạy, vận động duy tân ở trường này và một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình…

Sự phát triển và ảnh hưởng to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục cho thấy tư tưởng khai dân trí của Phan Châu Trinh đã bắt nhịp thời đại, thay đổi cách tiếp cận giáo dục cũ, tạo ra cuộc cách mạng về giáo dục. Chương trình học chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân do ông khởi xướng cho thấy tính cách mạng của nó. Cùng với Hán ngữ là Quốc ngữ sẽ đóng vai trò chữ viết chính thống, thay cho Bắc sử là Việt sử, cùng với tinh hoa Nho học cập nhật là các môn học: Toán, cách trí (khoa học thường thức), địa lí, thể dục, luân lí, kiến thức công nông thương nghiệp hiện đại, tài chính ngân hàng…

Về chủ trương hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, theo TS. Nguyễn Minh Phương, Phan Châu Trinh rất quan tâm đến vấn đề văn hóa dân tộc, đến xây dựng nền văn hóa mới cho dân tộc. Cùng với hiện đại hóa về giáo dục là xây dựng “tân văn hóa”. Phan Châu Trinh phê phán và đả phá tập tục lạc hậu, thực hiện đời sống mới. Phan Châu Trinh tấn công vào những thói hư tật xấu (qua so sánh với phương Tây). Đó là thói giành giật, lừa đảo vì chữ lợi (thiếu tinh thần đùm bọc yêu thương lẫn nhau); bất tín trong kinh doanh, cho vay cắt cổ, ăn quỵt, để tiền bạc đất đai thành vô dụng (thiếu chữ tín, không biết bỏ vốn kinh doanh); tổ chức ma chay to lớn đến nỗi nhiều gia đình phải bán hết trâu bò (không biết tiết kiệm tang lễ); chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc (không biết tiết kiệm thời giờ, tổ chức công việc); mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu khấn (không tin ở bản thân, thiếu tinh thần tự lực, tự cường); thói ngồi không ăn bám (không mở mang nghề nghiệp); đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp (trong khi phương Tây ra sức cải tiến phát minh kỹ thuật)... Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho quyền lợi của dân rơi vào tay người nước ngoài.

Phê phán Nho giáo phong kiến, đề cao học tập theo văn minh phương Tây nhưng Phan Châu Trinh vẫn bảo lưu những tinh hoa, văn hóa của dân tộc. Về đạo đức và luân lí, Phan Châu Trinh đề cao cốt lõi của đạo đức, luân lí là chủ nghĩa yêu nước, phải vì nước, vì dân; một mặt phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) trong điều kiện lịch sử mới; mặt khác, Phan Châu Trinh khuyên nhân dân Việt Nam nên theo quan điểm “quốc gia luân lí” của Âu Tây; đồng thời khẳng định, nội dung cốt lõi của “quốc gia luân lí” là lòng yêu nước; vì một nước đã mất thì lại càng bồi bổ lòng yêu nước cho nhân dân và “phải đoàn kết bênh vực lẫn nhau, hễ người ta làm gì bất công, thì hiệp sức lại mà chống”. Đây chính là điểm cốt lõi về quan điểm đạo đức, luân lí của Phan Châu Trinh. Đó chính là một trong những lí do nhân dân Việt Nam đã ngưỡng mộ và tôn vinh Phan Châu Trinh sau khi ông tạ thế.

Để xây dựng văn hóa mới, cùng với diễn thuyết, Phan Châu Trinh cũng sáng tác thơ ca để tuyên truyền vận động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân. Trong “Tỉnh quốc hồn ca I”, trước hết Phan Châu Trinh tán dương những ưu điểm trong lối sống tiến bộ của người nước ngoài, sau đó phê phán những khuyết điểm trong cách sống, làm ăn lạc hậu của ta, đồng thời đưa ra lời kêu gọi đổi mới trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời học tập văn minh phương Tây đề cao lí tưởng phụng sự cho Tổ quốc: dám chết vì nghĩa lớn; phải biết đoàn kết thương yêu nhau, làm việc vì nước, vì dân; đề cao nếp sống văn minh, có tinh thần khoa học: Phải có chí mạo hiểm, có thái độ đúng đắn với ma chay, biết tổ chức công ăn việc làm, không mê tín dị đoan, chú ý mặt y tế xã hội, biết tổ chức phòng và chữa bệnh. Đó là những đức tính công dân cần có.

Bản thân Phan Châu Trinh đã dấn thân thực hành “tân văn hóa”, “tân sinh hoạt” bằng việc cắt tóc ngắn, mặc quần dài áo cộc, mặc Âu phục tạo ra một phong cách Phan Châu Trinh (mode Tây Hồ). Cuộc vận động tân văn hóa tạo được nhiều dấu ấn. Cái răng, cái tóc là “góc con người” do cha mẹ sinh ra được xem là một trong những điều thiêng liêng nhất. Vậy mà, qua sự phát động của Phan Châu Trinh, đã làm thay đổi nếp truyền thống, tạo thành một phong trào rộng lớn, phong trào “Cắt tóc ngắn”, “Mặc quần áo ngắn” biểu hiện sự đoạn tuyệt với cái cũ, cái lạc hậu, hướng đến “đời sống mới” văn minh tiến bộ, thể hiện một ý chí yêu nước và cách mạng.          

“Quan điểm văn hóa, giáo dục của Phan Châu Trinh thể hiện tính chất dân tộc, dân chủ, đặc biệt là cụ thể và cập nhật, giải quyết những yêu cầu của thực tiễn đất nước đặt ra trên tinh thần tự do, dân chủ, dân quyền trong phạm trù dân chủ tư sản. Tư tưởng Phan Châu Trinh và phong trào do ông phát động tự nó là một phong trào văn hóa rộng lớn hướng tới mục tiêu trực tiếp là cách tân văn hóa bằng phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống của của dân tộc và tiếp thu các yếu tố hiện đại của nhân loại – chủ yếu là văn minh phương Tây. Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ tiêu biểu cho sự tiếp biến văn hóa của dân tộc vào đầu thế kỷ XX, góp phần mở đường cho sự tiếp biến văn minh phương Tây, xây dựng nền văn hóa dân tộc trong điều kiện lịch sử mới, mở đường cho phong trào cải cách văn hóa của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tư tưởng và hoạt động của Phan Châu Trinh góp phần tạo ra sự chuyển biến văn hóa Việt Nam theo xu hướng hiện đại trong bối cảnh “tân cựu có nhiều xung đột” và sự kìm hãm, áp chế của chế độ thuộc địa” - TS. Nguyễn Minh Phương kết luận./.

Tác giả bài viết: Đình Tăng

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,943
  • Tháng hiện tại41,170
  • Tổng lượt truy cập1,497,453
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây