Tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội Việt Nam chiều 7/5/1954 được truyền đến Geneva và ngay sáng sớm ngày 8/5 (giờ Geneva), vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Hiệp định Geneva là kết tinh của thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân Việt Nam, của khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cùng với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ giải phóng miền bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước năm 1975.
70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên giá trị, với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Phát huy bài học kinh nghiệm từ việc đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng trên các lĩnh vực, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Xin trân trọng giới thiệu ý kiến của các lãnh đạo, chuyên gia về tầm vóc, ý nghĩa và những bài học quý báu từ hiệp định quan trọng này.
Ðồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Ngoại giao: Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc
Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Với thắng lợi này, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng. Ðồng thời, thắng lợi này mở ra cục diện chiến lược mới để Việt Nam tiến tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiệp định Geneva cùng với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu, vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva, 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô Hà Nội và 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức trong năm 2024, góp phần quan trọng khơi dậy mạnh mẽ hơn lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và động lực, khát vọng vươn lên của thế hệ hôm nay để tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva với những hoạt động thiết thực là dịp để lan tỏa sâu rộng hơn truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, sự tri ân sâu sắc và biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các thế hệ đi trước, trong đó có các nhà cách mạng lão thành tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva, đã cống hiến trọn đời cho hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.
Chúng ta một lần nữa khẳng định với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Ôn lại lịch sử để chúng ta hiểu sâu sắc hơn những bài học lịch sử quý báu, còn nguyên giá trị và cùng nhau xây dựng hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, luôn đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đóng góp hết sức mình vào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh và các bài học còn nguyên giá trị của Hiệp định Geneva, ngành ngoại giao phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ðại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự: Nâng cao vị thế trên trường quốc tế
Với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Ðoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tham gia Hội nghị Geneva với tư cách của người chiến thắng. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tác động đến nội bộ nước Pháp, tạo nên phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, từ đó gây áp lực dư luận khiến thực dân Pháp phải xuống thang, tìm đến giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Ðông Dương. Có thể nói, chiến thắng quân sự trong suốt quá trình kháng chiến gian khổ của dân tộc Việt Nam là con đường đưa chúng ta đến với Hội nghị Geneva. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã góp phần quan trọng buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Thắng lợi về mặt quân sự đã đóng góp lớn để đi đến ký kết Hiệp định quan trọng này.
Với Hiệp định Geneva, lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham dự Hội nghị Geneva đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ðây cũng là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Hiệp định Geneva đã tạo điều kiện để quân và dân ta củng cố thế và lực, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva đã để lại cho thế hệ sau bài học lớn, đó là phải xây dựng thực lực quốc gia mạnh mẽ nhằm nâng cao tiếng nói, vị thế trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Những bài học quý giá từ Hiệp định Geneva đã được Ðảng, Nhà nước và toàn thể quân và dân ta vận dụng rất thành công trong việc đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Paris năm 1973, cũng như triển khai đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam" hiện nay.
Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao: Vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm
|
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva được ký kết nhưng những bài học kinh nghiệm từ việc đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định vẫn còn nguyên giá trị. Việc thấm nhuần, hiểu đúng tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của những bài học đó, đồng thời vận dụng hiệu quả vào thực tiễn đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ðó là bài học về luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong mọi hoàn cảnh; bài học về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, ngoại giao và các biện pháp hòa bình trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ quốc tế hiện nay. Ðó cũng là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, tạo ra hình ảnh, vị thế ngày càng gia tăng của đất nước.
Từ góc độ về ngoại giao, đối ngoại, việc vận dụng những bài học từ tiến trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva vào thực tiễn cần hết sức sáng tạo, vừa phải bám vững những giá trị cốt lõi, nguyên tắc vừa phải vận dụng hết sức sáng tạo, hiệu quả. Trước hết, chúng ta phải luôn coi trọng việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác đối ngoại và vận dụng sáng tạo những bài học vào thực tiễn để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Ðại hội XIII của Ðảng cũng như cập nhật, bổ sung cho đường lối đối ngoại của Ðại hội XIV của Ðảng sắp tới. Thứ hai là xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó luôn luôn chú trọng và tăng cường sự phối hợp giữa ngoại giao với quốc phòng và an ninh, tạo thế và lực cho sự phát triển của đất nước. Thứ ba là tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tạo thế chủ động chiến lược, tránh bị động, bất ngờ, đặc biệt là trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Cuối cùng là chú trọng, quan tâm, bồi dưỡng và đầu tư thích đáng cho lực lượng làm công tác đối ngoại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực tiễn.
Chúng ta vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng những kinh nghiệm và bài học mà cha ông để lại trong đàm phán Hiệp định Geneva, từ đó đánh giá năng lực của mình và bối cảnh của quốc tế để đưa ra những đối sách hiệu quả nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tác giả bài viết: Nguồn tin: THEO BÁO NHÂN DÂN:
Ý kiến bạn đọc