Nhóm nghiên cứu Học viện Cảnh sát chỉ cách khắc chế tội phạm không gian mạng

Thứ ba - 03/10/2023 08:54 400 0
Trước tình hình tội phạm mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, nhóm nghiên cứu đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân đưa ra nhiều giải pháp kiến nghị nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bài nghiên cứu khoa học "Bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số: vai trò của thanh niên Công an nhân dân” của nhóm tác giả đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân, là một trong bốn báo cáo khoa học xuất sắc nhất được trao giải tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, với chủ đề “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Hội thảo do T.Ư Hội SVVN phối hợp với CLB Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội tổ chức.

Tín dụng đen có chiều hướng gia tăng

Với đề tài trên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng tội phạm mạng trong bối cảnh chuyển đổi số. Trên lĩnh vực An ninh quốc gia, các thế lực thù địch và phản động quốc tế đã không ngừng tập trung lợi dụng kênh truyền thông qua mạng Internet để xuyên tạc, vu khống chống phá.

Để tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch, các thế lực phản động đã sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc và nguy hiểm hơn, có tác động đến mọi tầng lớp xã hội.

 

Nhóm nghiên cứu Học viện Cảnh sát chỉ cách khắc chế tội phạm không gian mạng ảnh 1

 

Bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú - Lớp B8B - Khóa D45 - Học viện Cảnh sát nhân dân trình bày đề tài tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II. Ảnh: Bảo Anh

 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú - Lớp B8B - Khóa D45 - Học viện Cảnh sát nhân cho biết, nội dung, bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch là tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch viết bài phát tán trên không gian mạng xã hội nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để thông qua các đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, hoạt động phát tán tin giả, thông tin sai sự thật gây ra nhiều mối lo ngại. Các nguồn phát tán thông tin xấu độc chủ yếu từ các hội nhóm đông thành viên, nhiều người là KOLs (người có ảnh hưởng trên không gian mạng).

Đáng chú ý, tình trạng cho vay, “tín dụng đen” qua mạng có xu hướng gia tăng, phát triển. Theo một thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công TPHCM, hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến có yếu tố do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết chặt chẽ với các đối tượng trong nước.

Tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra phức tạp, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tập trung vào các thủ đoạn: giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến vụ án hình sự để khai thác các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng…

“Với tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT nhanh chóng như hiện nay, tình hình an ninh mạng của Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm mạng tiếp tục gia tăng, hoạt động rộng khắp trên mọi lĩnh vực.

Tính riêng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2022, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 5.600 vụ, hơn 5.600 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 vụ việc liên quan tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021”, Cẩm Tú đưa ra những con số báo động.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về không gian mạng

Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên công an nhân dân, trong bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trong đó, một trong những giải pháp nhận được sự hưởng ứng đông đảo nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan đến không gian mạng.

 

Nhóm nghiên cứu Học viện Cảnh sát chỉ cách khắc chế tội phạm không gian mạng ảnh 2

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy (ngoài cùng bên phải) và Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN Nguyễn Minh Triết trao giải 4 báo cáo xuất sắc nhất tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II. Đại diện nhóm tác giả Học viện Cảnh sát nhân dân (thứ 3, từ phải sang) nhận giải. Ảnh: Bảo Anh

 

Theo nhóm nghiên cứu, sự thiếu vắng các quy phạm, chuẩn mực khiến con người khi tham gia vào không gian mạng có xu hướng hành động theo bản năng, điều này dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức và hành vi, từ đó tác động xấu đến đời sống xã hội.

Do đó, muốn bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trước hết phải bằng chính sách, pháp luật. Ví dụ, hoàn thiện các quy định pháp luật về tội phạm mạng; hoạt động của các hội, nhóm trên không gian mạng; các giao dịch phát sinh và hoàn thành trên không gian mạng; các hình thức thanh toán trên không gian mạng; trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người khi tham gia vào không gian mạng...

Nhóm tác giả đưa ra kiến nghị xây dựng mô hình Câu lạc bộ hoặc tổ chức thanh niên làm nhiệm vụ thu thập, phân tích, phản biện và xử lý thông tin về tội phạm mạng. Theo đó, mô hình này được chia làm 3 tổ, với 3 nhiệm vụ liên chặt chẽ với nhau.

Tổ 1, làm nhiệm vụ thu thập và phân tích thông tin về các đối tượng cụ thể trên không gian mạng. Tổ 2, làm nhiệm vụ phản biện, xử lý thông tin; hoạt động của tổ này được thực hiện sau khi tiếp nhận thông tin từ Tổ 1.

Tổ 3, triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm mạng, gồm tuyên truyền trực tiếp và trên môi trường mạng bằng hình thức sinh động.

Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài gồm: Đại úy ThS. Trần Quang Tùng - Khoa Toán - Tin học và Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân; Trần Thị Kim Hoàn - Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn; Nguyễn Phan Anh - Lớp B3A - Khóa D45 - Học viện Cảnh sát nhân dân; Nguyễn Thị Cẩm Tú - Lớp B8B - Khóa D45 - Học viện Cảnh sát nhân; Ngô Thị Ngọc Ánh - Lớp B1D - Khóa D46 - Học viện Cảnh sát nhân dân.

Tác giả bài viết: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,842
  • Tháng hiện tại41,069
  • Tổng lượt truy cập1,497,352
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây