Người trẻ xây dựng các điểm trường ở nơi 'chạm mây'

Chủ nhật - 01/09/2024 11:07 32 0

 

Trên chuyến xe xuất phát lúc 4 giờ 30 từ Đà Nẵng lên Trà Dơn (H.Nam Trà My, Quảng Nam), tôi hỏi Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau, đây là điểm trường thứ mấy các bạn chung tay xây dựng? Nam cười nói gói gọn: "15 điểm trường rồi!".

Đường đến những điểm trường

Cùng hành trình với các bạn trẻ lên điểm Trường Ông Bình (đầu tháng 1) và điểm Trường Ông Phụng vào đầu tháng 9 (đều cùng ở Trà Dơn, H.Nam Trà My) để dự lễ khánh thành, mới hiểu hết được những khó khăn mà họ trải qua để xây dựng nên một điểm trường.

Người trẻ xây dựng các điểm trường ở nơi 'chạm mây'- Ảnh 1.


Những tuyến đường lắt léo, gấp khúc, băng qua những cánh rừng nguyên sinh ở Nam Trà My, nơi mà chỉ sau vài trận mưa là sạt lở, tắc đường. Những chuyến xe đi vào những con đường lầy lội, khúc khuỷu, chỉ chực chờ lao xuống vực với những tay lái không chuyên. "Khi chọn địa điểm xây dựng điểm Trường Ông Phụng, thành viên CLB khảo sát, gian truân lắm, phải đi đường bộ 2 - 3 tiếng mới vào được điểm trường", anh Phạm Việt Hưng, thành viên của CLB Bạn thương nhau, kể lại.

Điểm Trường Ông Bình còn vất vả hơn khi phải băng qua những tuyến đường bùn lầy, đất đỏ quện chặt, đi xe máy chỉ cần không vững tay lái là cắm đầu vào bùn… Những điểm trường mà họ chọn để xây, chỉ dang tay là chạm được vào mây, bởi đều ở trên những đỉnh núi cao.

Điểm Trường Ông Phụng được chọn bởi dãy nhà dành cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học đã xuống cấp, mưa dột… Các cô giáo cũng sống trong dãy nhà gỗ đã hư hỏng. Sau khi được sự đồng ý của chính quyền, các bạn trẻ cùng thầy cô xuống tổ chức họp dân. 70 hộ của nóc Ông Phụng có mặt, nhất nhất đồng thuận hỗ trợ các bạn vận chuyển vật liệu xây dựng vào điểm trường.

Cô giáo Huỳnh Thị Hạ (người dân tộc Co, đang theo dạy tại điểm Trường Ông Phụng) chia sẻ: "Người dân ở đây rất quý trọng thầy cô, và cũng mong muốn cho con em được đến trường, nên họ hỗ trợ rất nhiệt tình. Nhiều khi, những ngày mưa dầm, nắng gắt, vật liệu vận chuyển đến, họ sẵn sàng ra cõng vào giúp để đơn vị thi công thực hiện".

Người trẻ xây dựng các điểm trường ở nơi 'chạm mây'- Ảnh 2.

Niềm vui nhận quà của học sinh vùng cao

Thầy Nguyễn Văn Nhân (điểm Trường Ông Bình) xúc động: "Nhiều người dân sáng đi làm, chiều về cũng vào chung tay cùng đội thợ thi công, nhiều khi quên cả ăn uống".

Kinh phí xây dựng nên điểm trường trên vùng cao này cũng không hề thấp, bởi chi phí vật liệu vào được đến đây rất cao, chưa kể xây dựng ngôi trường giữa những đỉnh núi chạm mây này để làm một sàn vững chãi cũng vô cùng khó khăn. Điểm trường chỉ 3 phòng học, 1 phòng cho thầy cô, một phòng bếp có khi hơn tỉ đồng. Tất cả kinh phí đều được các bạn trẻ của CLB Bạn thương nhau kêu gọi sự chung tay.

"Việc đầu tư cho giáo dục trên vùng núi cao này luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người, hiệu quả càng lan tỏa, càng nhiều học sinh vùng cao được hưởng lợi. Nên tụi mình không bao giờ quản ngại bất cứ khó khăn nào", Nguyễn Bình Nam chia sẻ.

Mang niềm vui đến với trẻ vùng cao

Người trẻ xây dựng các điểm trường ở nơi 'chạm mây'- Ảnh 3.

Sân chơi cho trẻ vùng cao

Đứng lặng người ở một góc sân trường, chị Hồ Thị Song (nóc Ông Bình, Trà Dơn) nhìn ngắm con mình xúng xính trong chiếc áo ấm mới do các thành viên CLB Bạn thương nhau vừa gửi tặng. "Mình hiện có 5 đứa con. Nhờ nhà nước mà các cháu đều được đi học. Thấy các con thiếu thốn, mình cũng xót nhưng không biết sao bù đắp. Nay thấy con có quần áo mới, cặp sách, áo ấm, cả trường mới, mình chỉ biết nói cảm ơn mọi người", chị Song nắm chặt tay các bạn trẻ, nghẹn lời nói.

Tác giả bài viết: Báo Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay556
  • Tháng hiện tại28,367
  • Tổng lượt truy cập1,410,254
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây