Ngày Thế giới phòng chống AIDS: Đánh dấu nhiều thành tựu và cảnh báo những thách thức mới

Thứ năm - 30/11/2023 22:14 340 0
Năm 2023 đánh dấu lần thứ 35 Ngày Thế giới phòng chống AIDS được tổ chức. Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành quả tích cực, giúp chúng ta hướng tới mục tiêu 2030. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều lựa chọn phòng ngừa, điều trị và chăm sóc hiệu quả

Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) là một tình trạng mãn tính có khả năng đe dọa tính mạng con người do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra. HIV tấn công hệ thống miễn dịch, làm suy yếu đến mức không thể chống lại nhiễm trùng, khiến cho người bệnh có thể chết vì bất cứ tổn thương nào. AIDS là căn bệnh lây lan qua đường tình dục không an toàn.
 
Ngày Thế giới phòng chống AIDS: Đánh dấu nhiều thành tựu và cảnh báo những thách thức mới- Ảnh 1.
Từ năm 1988, khi AIDS bắt đầu hoành hành trên khắp thế giới, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 1/12 hàng năm làm Ngày Thế giới Phòng chống AIDS. Ảnh minh họa
Trong giai đoạn thập kỷ 1960-1970, cuộc Cách mạng tình dục bùng nổ đã làm cho virus HIV lây lan khắp thế giới, trở thành căn bệnh thế kỷ. Kể từ khi được xác nhận là đại dịch những năm 80 của thế kỷ 20, AIDS đã giết chết tới 40,7 triệu người và lây nhiễm cho 85,5 triệu người trên toàn cầu. Năm 2004, AIDS được cho là đạt đỉnh khi làm khoảng 3 triệu người chết và hơn 37 triệu người nhiễm bệnh.
Từ năm 1988, khi AIDS bắt đầu hoành hành trên khắp thế giới, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 1/12 hàng năm làm Ngày Thế giới Phòng chống AIDS để cảnh báo một thảm họa đáng sợ trong thế kỷ 20.
Từ năm 1995, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) công bố những báo cáo thường niên về cuộc chiến chống lại căn bệnh này.
Báo cáo mới nhất tổng kết hoạt động của năm 2022 cho thấy có khoảng 1,3 triệu người mới nhiễm HIV và khoảng 630.000 người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS. Tuy nhiên, số người tử vong đã giảm 68% so với mức đỉnh điểm vào năm 2004. Kể từ năm 2010, số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu đã giảm 41%, từ 2,2 triệu xuống còn 1,3 triệu vào năm 2022.
Mặc dù vẫn chưa có cách chữa trị tận gốc nhưng những nghiên cứu trong 40 năm qua đã đem lại rất nhiều lựa chọn phòng ngừa, điều trị và chăm sóc hiệu quả giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bị AIDS. Số thuốc điều trị kháng virus (ARV) đã tăng gấp bốn lần, từ mức 7,7 triệu của năm 2010. Khoảng 82% phụ nữ có thai và cho con bú sống chung với HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 46% của năm 2010, giúp số ca mắc mới ở trẻ em giảm 58%, từ 310.000 ca năm 2010 xuống còn 130.000 ca năm 2022. Đây là những con số hết sức khả quan.

Những thành tựu phòng chống AIDS là không thể phủ nhận

Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã lần đầu tiên đặt ra mục tiêu có thể chấm dứt giai đoạn coi AIDS là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Năm 2020, UNAIDS đề ra mục tiêu 95-95-95 để có thể tuyên bố chấm dứt dịch bệnh. Ba mục tiêu này cụ thể là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus ngưỡng an toàn. Rwanda, Tanzania và Zimbabwe là những quốc gia đầu tiên ở châu Phi đã đạt được 3 mục tiêu 95-95-95 này.
Báo cáo mới nhất của UNAIDS cũng cho thấy ít nhất 16 quốc gia khác đang tiến rất gần tới mục tiêu, trong đó có tám nước thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi tập trung 65% ca nhiễm HIV của thế giới.
Sự thành công trong việc chống lại đại dịch AIDS không tự nhiên mà có. Trong suốt nhiều năm, thế giới đã cùng nhau hành động. Giáo sư Mukesh Kapila, giáo sư danh dự tại Đại học Manchester từng đảm nhiệm các vai trò cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới, người đã trực tiếp tham gia nghiên cứu về AIDS từ những ngày đầu nhớ lại: "Sự đoàn kết toàn cầu trong đại dịch AIDS được đánh giá là chưa từng có".
Từ khi công bố đại dịch toàn cầu, nguồn tài trợ cho nghiên cứu về AIDS tăng vọt và thái độ của công chúng thay đổi nhờ công tác tuyên truyền. Khi giá thuốc điều trị quá cao (khoảng 8.000 USD/năm vào thời điểm ra đời năm 1987) thì cả thế giới đã đồng lòng gây sức ép lên những tập đoàn dược phẩm lớn.
Nam Phi và Ấn Độ, các quốc gia đang phát triển đã đề xuất Hiệp định Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) năm 1994 để sản xuất các loại thuốc với giá rẻ hơn khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng bị đe dọa. Điều này được hiện thực hóa với "Tuyên bố Doha" năm 2001 giúp giảm 99% chi phí thuốc kháng virus ở các nước nghèo nhất. Ngày nay, 75% người bệnh AIDS đã được điều trị bằng thuốc kháng virus. Đầu tư cho nghiên cứu đã giúp một người bệnh AIDS giờ đây có thể có tuổi thọ gần như bình thường. Từ chỗ là đại dịch thế kỷ, AIDS đã dần trở thành một căn bệnh bình thường.
Ray Mwareya, thành viên của Tổ chức Dữ liệu Đạo đức Thế giới đã từng phát biểu nhân ngày Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2022: "Một thế giới không có HIV cuối cùng đã nằm trong tầm tay". "Bài học từ AIDS có thể giúp chúng ta đánh bại các căn bệnh khác", giáo sư Mukesh Kapila khẳng định. Đã có lúc, đoàn kết thực sự đem lại sức mạnh để chúng ta có thể tin tưởng.

Dịch HIV nguy cơ bùng phát trở lại

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành quả tích cực, giúp chúng ta hướng tới mục tiêu 2030. Tuy nhiên, theo UNAIDS thì vẫn còn khoảng 5,5 triệu người trên toàn thế giới không biết về tình trạng HIV của mình vào năm 2021, tương đương với 14% số người nhiễm bệnh.
Báo cáo của UNAIDS cũng cho biết thêm rằng đã có sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới ở khu vực Đông Âu và Trung Á, cũng như ở Trung Đông và Bắc Phi. Tổ chức đánh giá "xu hướng này xảy ra chủ yếu là do thiếu các dịch vụ phòng ngừa HIV dành cho những nhóm dân cư yếm thế và chịu thiệt thòi". Đáng lo hơn, kể từ năm 2020, những con số cho thấy công cuộc phòng, chống AIDS đang có những dấu hiệu chững lại.
Sự chủ quan với AIDS đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Một hệ quả tất yếu là nguồn tài trợ cho hoạt động phòng chống AIDS đang giảm dần. Năm 2022, các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ nhận được 8,3 tỉ USD tài trợ từ bên ngoài, thấp hơn 3% so với năm 2021. Chỉ có 20,8 tỉ USD dành cho các chương trình chống AIDS được phân bổ vào năm ngoái và còn thiếu 29,3 tỉ USD cần thiết nữa cho đến năm 2025.
Theo thống kê của UNAIDS, nguồn tài trợ song phương từ Chính phủ Mỹ vốn chiếm 58% tổng số hỗ trợ quốc tế cho HIV, trong khi các khoản giải ngân từ Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét chiếm khoảng 29%. Các nhà tài trợ quốc tế khác đóng góp phần còn lại. Nhưng một vấn đề lớn đã xảy ra khi năm 2024 sắp tới có thể là lần đầu tiên sau 20 năm, chính phủ Mỹ không còn trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động này được nữa.
Báo cáo ngân sách mới nhất được thông qua hôm 17/11/2023 của Mỹ đã cắt giảm khoản ngân sách dành cho Kế hoạch khẩn cấp về cứu trợ bệnh AIDS (PEPFAR) vốn được thông qua đều đặn từ năm 2003 tới nay.
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) thì trong 20 năm qua, Mỹ đã chi 110 tỉ USD thông qua PEPFAR để hỗ trợ các chương trình ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị HIV ở các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ yếu ở châu Phi cận Sahara. Khoản hỗ trợ này được ghi nhận đã cứu hơn 25 triệu mạng sống và giúp hơn 5,5 triệu trẻ em sinh ra không nhiễm HIV. PEPFAR hiện vẫn đang hỗ trợ ít nhất 20 triệu người điều trị bằng thuốc ARV. Thế nhưng, những khó khăn kinh tế cùng sự chia rẽ trong lưỡng đảng đã khiến khoản tài trợ từng mang tới "danh tiếng" cho chính quyền Mỹ chính thức bị cắt giảm.
Nữ nghị sĩ Ilhan Omar, chủ tịch Nhóm Công tác Chính sách Châu Phi của Hạ viện Mỹ tỏ ra bất bình về quyết định này. Bà cho rằng lợi ích của việc gia hạn PEPFAR là rất rõ ràng. "Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến PEPFAR đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc cứu sống hàng triệu người ở Châu Phi bằng cách cung cấp hỗ trợ quan trọng trong cuộc chiến chống lại HIV/AID", bà Omar phát biểu. Theo bà, sự mất mát của nó "sẽ được cảm nhận trên khắp Châu Phi và trên toàn thế giới".
Thông báo của UNAIDS cũng cho biết số tiền tài trợ tư nhân cho hoạt động của mình cũng đã giảm đáng kể, từ khoảng 3 tỉ USD năm 2010 xuống còn 1,2 tỷ USD vào năm 2022, giảm 61%. Nguồn lực để đi nốt hành trình 7 năm còn lại của mục tiêu 2030 đã và đang tiếp tục giảm.
Bà Katherine Bliss, thành viên cao cấp của CSIS cho rằng, nguy cơ cao dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại nếu như các quốc gia không chú trọng cho công tác phòng, chống HIV, và mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS có thể nằm ngoài tầm với nếu không có sự hỗ trợ của PEPFAR.

Tác giả bài viết: Thùy Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay3,098
  • Tháng hiện tại48,514
  • Tổng lượt truy cập1,349,778
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây