Các xu hướng, thách thức mới và các loại hình tội phạm phức tạp, tinh vi, nguy hiểm ngày càng gia tăng, mở rộng phạm vi đa quốc gia, yêu cầu các tổ chức quốc tế và các chính phủ phải tăng cường hợp tác, thúc đẩy nhiều giải pháp, thắt chặt các quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trong những năm qua, Liên Hợp quốc liên tục cảnh báo về những rủi ro trên không gian mạng đã và đang tác động sâu sắc đến trẻ em theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Liên Hợp quốc xác định bản chất không biên giới của Internet đồng nghĩa với việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên mạng là một thách thức toàn cầu. Bên cạnh những mối nguy về bắt nạt trực tuyến, rò rỉ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư, tiếp xúc với ngôn từ và hình ảnh bạo lực, trẻ em còn là đối tượng của những tội phạm nguy hiểm về bóc lột, quấy rối, lạm dụng tình dục trực tuyến và các hình thức bạo lực trực tuyến khác.
Theo số liệu mới nhất của UNICEF, khoảng 20% trẻ em sử dụng Internet ở 12 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho biết, đã từng bị bóc lột hoặc lạm dụng tình dục trực tuyến trong năm 2022. Mặt khác, hơn 1/3 trẻ em trên 30 quốc gia nói rằng các em đã bị bắt nạt qua mạng và 1/5 trong số đó đã phải chuyển trường hoặc nghỉ học. Mặt khác, có khoảng 750.000 cá nhân thực hiện tìm kiếm để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu và không giới hạn về thời gian. Trong khi đó, số lượng phản ánh về các vụ việc lạm dụng trẻ em trực tuyến đến đường dây nóng tại các quốc gia cũng ghi nhận sự gia tăng trong những năm gần đây.
INTERPOL “bắt tay” với UNICEF
Một thoả thuận mới giữa Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã chính thức được ký kết vào ngày 13/04/2023, với nội dung về việc hợp tác hỗ trợ các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường các giải pháp đối với tội phạm xâm hại, bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em, bao gồm cả các tội phạm trực tuyến.
“Bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em là một tai họa toàn cầu. Sự hợp tác giữa các ngành và xuyên biên giới là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề này”, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết. Bà cũng nhấn việc thoả thuận hợp tác với INTERPOL sẽ giúp đưa các kiến thức chuyên môn về thực thi pháp luật vào các chương trình quốc gia và tăng cường các biện pháp bảo vệ cho mọi trẻ em trên thế giới.
Thỏa thuận INTERPOL - UNICEF tận dụng phạm vi toàn cầu và sức mạnh của từng tổ chức để bảo vệ và cải thiện cuộc sống của trẻ em bị đe dọa bởi nạn bóc lột trực tuyến và các hình thức bạo lực khác. Mạng lưới thực thi pháp luật toàn cầu của INTERPOL trải dài trên 195 quốc gia thành viên, trong khi UNICEF hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các chính phủ và đối tác ngăn chặn và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em trên thực tế và trên môi trường kỹ thuật số, thông qua các chương trình bảo vệ trẻ em.
Tổng Thư ký INTERPOL Jürgen Stock nhận định, hiên nay tội phạm bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến có xu hướng vượt ra ngoài phạm vi mỗi quốc gia và phạm vi thực thi pháp luật. Hiện nay, mặc dù một số quốc gia đã thành lập các đơn vị thực thi pháp luật chuyên trách bảo vệ trẻ em và nạn nhân của bóc lột, xâm hại; nhưng nhiều quốc gia lại thiếu nhân viên chuyên trách, kỹ năng, cũng như nguồn lực cần thiết để tiến hành điều tra hiệu quả các vụ việc, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến yếu tố kỹ thuật số, xác định nạn nhân và bảo vệ trẻ em.
Trong khi đó “việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của tất cả chúng ta”, ông Stock khẳng định thoả thuận hợp tác INTERPOL - UNICEF sẽ huy động mọi “kiến thức và nguồn lực” nhằm “cải thiện các hoạt động thực thi pháp luật” tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, thúc đẩy sự phối hợp hành động để bảo đảm nạn nhân nhận được sự hỗ trợ phù hợp và tội phạm phải đối mặt với công lý.
Nhiều trẻ em là nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trực tuyến. (Ảnh: National World)
Theo thỏa thuận này, hai tổ chức sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính như: Hỗ trợ thành lập các đơn vị hoặc nhóm chuyên gia điều tra về bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, hoặc tăng cường hiệu quả của các nhóm chuyên gia đã được thiết lập. Đồng thời, hai tổ chức cũng đẩy mạnh đào tạo và phát triển chuyên môn cho đội ngũ thực thi pháp luật về các vấn đề như: nhận dạng nạn nhân và kẻ phạm tội, pháp y kỹ thuật số đối với bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, cách phỏng vấn thân thiện với trẻ em, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc tế về bóc lột tình dục trẻ em của INTERPOL (ICSE). Ngoài ra, thoả thuận còn góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết tốt hơn giữa cơ quan thực thi pháp luật và các dịch vụ xã hội để bảo đảm rằng nạn nhân nhận được hỗ trợ phù hợp.
Châu Âu thắt chặt quy định
Liên minh Châu Âu (EU) hiện đang xem xét một đạo luật mới nhằm ngăn chặn vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, cũng như các hình thức bạo lực, xâm hại khác. Điểm đáng chú ý là luật này sẽ quy kết nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của các doanh nghiệp cung cấp và quản lý các nền tảng, dịch vụ trực tuyến như Meta, Tik Tok và Google phải phát hiện, xóa bỏ và báo cáo tất cả thông tin lạm dụng tình dụng trẻ em trên nền tảng của họ. Hơn nữa, những công ty này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm vì đã không bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột và lạm dụng tình dục trực tuyến.
Nếu được thông qua, đây sẽ là đạo luật đầu tiên về việc quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, đặc biệt các “ông lớn” công nghệ toàn cầu trong việc phải tham gia và thúc đẩy các giải pháp bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền riêng tư và giảm thiểu tác hại nghiêm trọng từ nội dung độc hại trên mạng gây ra cho các nạn nhân.
Hưởng ứng quyết tâm của giới chức trách EU, nhiều tổ chức ở châu Âu cũng phát động những sáng kiến và chiến dịch mới để bảo vệ trẻ em trên môi trường số. Đơn cử, sáng kiến “#ChildSafetyOn” có sự tham gia của nhiều tổ chức, cơ quan tại châu Âu như Missing Children Europe, National Center for Missing & Exploited Children, ECPAT International, Canadian Centre for Child Protection, Internet Watch Foundation, NSPCC, End Violence Against Children, 5 Rights Foundation, Terre des Hommes, Child Helpline International, Eurochild….
Chiến dịch này nhằm mục đích nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động bảo vệ và hỗ trợ đề xuất của Uỷ ban Châu Âu về việc ngăn chặn và phòng, chống lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến. Họ cũng huy động tiếng nói của các giáo viên và nhà giáo dục trên khắp châu Âu để đóng góp thêm các giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em trước các rủi ro bên ngoài trường lớp.
Các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên toàn cầu
Bên cạnh UNICEF, INTERPOL, Sáng kiến Bảo vệ Trẻ em Trực tuyến (COP) - mạng lưới đa bên do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) khởi xướng - cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về an toàn cho trẻ em trên Internet và phát triển các công cụ thiết thực để hỗ trợ chính phủ, ngành công nghiệp và các nhà giáo dục bảo vệ trẻ em. Bộ nguyên tắc của ITU về “Bảo vệ trẻ em trên mạng” là một tập hợp toàn diện các khuyến nghị cho tất cả các bên liên quan về cách thiết lập, phát triển một môi trường trực tuyến an toàn cho trẻ em, thanh, thiếu niên, cũng như trao quyền cho trẻ em, thanh, thiếu niên tự bảo vệ chính mình.
Mặt khác, một trong những nỗ lực điển hình trên thế giới phải kể đến INHOPE - mạng lưới toàn cầu báo cáo và xử lý các tài liệu/nội dung xâm hại tình dục trẻ em trên Internet, cùng với các cơ chế bảo vệ trẻ em liên quốc gia như Interpol, WEProtect (UNICEF)… INHOPE có 52 đầu mối tại 50 quốc gia cùng với 200 cán bộ phân tích nội dung. Trong năm 2022, nền tảng của mạng lưới đã báo cáo 587.852 địa chỉ web chứa các nội dung xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, 68% các tài liệu này đã được phân loại là bất hợp pháp và báo cáo với các cơ quan thực thi pháp luật; 26% được xử lý trong ngày. Đáng chú ý, trẻ em gái vẫn là nạn nhân chính của xâm hại tình dục trên mạng, chiếm tới 91% nội dung.
Trong giai đoạn năm 2022 - 2025, Liên minh ChildFund International mới khởi xướng chiến dịch toàn cầu “Web Safe and Wise” trên 24 quốc gia thuộc liên minh, nhằm mục tiêu tăng cường vai trò hệ thống bảo vệ trẻ em, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và trách nhiệm của doanh nghiệp. Tổ chức này cũng đồng thời triển khai dự án “Swipe Safe” tập trung vào 4 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Đông Timo.
Tác giả bài viết: Diệu Bảo
Nguồn tin: baophapluat.vn
Ý kiến bạn đọc