Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Sửa đổi Luật cần đảm bảo thích nghi với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật này nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được tốt hơn.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, dự án Luật cần đảm bảo thích nghi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần có sự thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Đấu thầu, Luật giá…
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) phát biểu tại hội trường chiều 6/1. Ảnh: ĐT |
Về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, Ban soạn thảo cũng đã cơ bản có sự tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề làm thay đổi toàn bộ hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến cơ chế thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến đối với ngành Y tế trong khi lại quy định chưa rõ về vai trò, chức năng của từng cấp, chưa rõ về cách phân định trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc quy định cụ thể nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng cũng như là phương thức, cách thức kết nối của các cấp trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tránh để về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trên cũng làm việc khám bệnh, chữa bệnh của cấp dưới.
Ngoài ra, lộ trình thay đổi về cách thức phân cấp, phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh cũng cần phải rà soát về chức năng, nhiệm vụ để đưa ra khung năng lực của từng cấp nhằm xếp vị trí của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong ba cấp khám bệnh, chữa bệnh.
Đề nghị Thủ tướng cân nhắc khi thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và Bộ Y tế đã tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Góp ý một số nội dung cụ thể, cơ bản nhất trí với quy định về Hội đồng y khoa Quốc gia trong dự thảo luật để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm băn khoăn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thì việc thành lập Hội đồng y khoa quốc gia lại phải tổ chức thêm bộ máy, biên chế. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc thêm về vấn đề này khi thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Mặt khác, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia, thiết nghĩ các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia theo như dự thảo Luật là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề… Do đó, cần quy định ngay trong Luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ Luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.
Băn khoăn nếu thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp này
Nhấn mạnh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, song đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu quan điểm: Dự thảo Luật có 08 nhóm vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận tại kỳ họp này thì có những nội dung được quy định ở 1 điều, nhưng cũng có vấn đề quy định trong 1 mục, thậm chí là trong 1 chương. Do đó, có những khó khăn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu xem xét.
Với số lượng lớn nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp lần này.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) phát biểu tại Hội trường chiều 6/1. Ảnh: ĐT |
Lý giải cho băn khoăn của mình, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, dự án Luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động. Dự thảo cũng chưa rõ tính thống nhất khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết luật số, điều khoản của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên. Đến nay, dự thảo Luật sơ bộ có 40 điều giao Chính phủ quy định chi tiết chiếm hơn 33% điều luật, chưa kể nhiều điều luật giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác. Trong đó, liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện để Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đại biểu chỉ rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có điều khoản quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa rõ trong quy định này.
Một số chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với người bệnh là chưa phù hợp và chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế. Đại biểu dẫn chứng dự thảo Luật chưa có quy định về xã hội hóa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập với hình thức liên doanh, liên kết, quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính là chưa rõ ràng….
Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, đối với người bệnh trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh thì thường ở vị trí yếu thế hơn nhưng dự thảo Luật còn có điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh. Ví dụ như khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế để cơ sở khám bệnh phù hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, đây là quy định còn định tính và chưa rõ ràng...
Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, dự thảo Luật còn nhiều nội dung khác cần nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động và phải có thời gian để nghiên cứu thấu đáo...
Cần hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế
Góp ý về quy định tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại Điều 108, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình với quy định theo phương án 2, trong đó quy định cơ sở khám chữa bệnh tự đảm bảo chi thường xuyên, được quyết định giá dịch vụ khác…
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tại Điều 110 dự thảo Luật cũng đã đưa ra hai phương án, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với phương án 2 nhằm mục tiêu hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.
Cũng liên quan đến tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn. Trong đó cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.
Về tài chính, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào, sớm hoàn thiện để trình nội dung này.
Nhấn mạnh Luật càng phức tạp thì càng phải chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này. Cần nhìn bài học 10 năm qua, những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn, do đó đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị chỉ trình Luật này khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình./.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc