Cội nguồn báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ ba - 21/06/2022 09:24 466 0

Cội nguồn báo chí cách mạng Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Báo chí cách mạng Việt Nam luôn được soi đường bởi lý luận cách mạng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh1 là một trong những cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam.

Sự ra đời của Báo chí cách mạng Việt Nam - một tất yếu khách quan

Bước vào những năm 20 của thế kỷ XX, trên đất nước Việt Nam xuất hiện một tình hình mới. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, những đòi hỏi chính đáng của nhân dân Việt Nam thể hiện qua bản Yêu sách tám điểm mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Hội nghị Versailles, không được các nước chiến thắng xem xét. Đã thế, thực dân Pháp còn ra sức tăng cường bộ máy cai trị của chúng ở Việt Nam. Chúng ban hành một số chính sách nhằm đẩy mạnh khai thác tài nguyên phong phú ở thuộc địa, phục vụ chính quốc khôi phục kinh tế, duy trì địa vị cường quốc. "Đế quốc Pháp hứa hẹn sau chiến tranh sẽ cho nhân dân Việt Nam hưởng tự do. Nhưng chiến tranh xong, xiềng xích thực dân lại siết chặt hơn trước".

Albert Sarraut được phái trở lại Đông Dương đảm nhiệm lần thứ hai trách nhiệm Toàn quyền. Trong một bài diễn văn đọc tại Hà Nội nhân dịp đến nhậm chức, ông ta tuyên bố không úp mở về "chính sách của chúng ta (Pháp) đối với dân bản xứ" như sau:

"Việt Nam là thị trường của Pháp (…). Từ nước Pháp, xứ sở này đón nhận công ơn mang lại một nền văn minh khai sáng giúp cho nó thay hình đổi dạng: thiếu nền văn minh ấy, Việt Nam sẽ mãi lay lắt thân phận nô lệ và bấp bênh (!). Đổi lại, Việt Nam sẽ hiến cho Pháp một cái bệ tượng tuyệt vời để từ cái bệ ấy nước Pháp sẽ phóng đi xa hơn ánh sáng văn minh tại phần này của trái đất, từ Việt Nam sẽ lan tỏa ngày càng rộng khắp ảnh hưởng của nước Pháp tại châu Á"… (trích: Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam - PGS.TS Đào Duy Quát, Chủ biên. Nhà xuất bản chính trị quốc gia - Hà Nội 2013).

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện chính sách ấy, người Pháp ùn ùn kéo đến Đông Dương. Mặt khác, họ cũng đào tạo một số viên chức người bản xứ nhưng những viên chức này chỉ được giữ những vị trí thấp kém hơn so với người da trắng, hưởng lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp người Pháp, theo những cách sắp xếp miệt thị theo "ngạch phụ, ngạch chính", "ngạch tây, ngạch ta".

Trong khi đó, các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam lâm vào bế tắc về đường lối. Đồng chí Trường Chinh phân tích: "Những nhà yêu nước thuộc phái Cần Vương chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp nhưng không phá bỏ chế độ phong kiến. Các nhà cách mạng tiền bối khác như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu,… đều chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp nhưng cũng không nhận rõ đối tượng của cách mạng Việt Nam là bọn đế quốc, thực dân Pháp và giai cấp địa chủ đã đầu hàng đế quốc. Còn Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng thì theo chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, nhưng lại không có một cương lĩnh thiết thực để thực hiện trong điều kiện cụ thể của Việt Nam".

Về kinh tế, mặc dù chủ yếu phục vụ nền kinh tế chính quốc, kinh tế Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng có những mặt phát triển nhất định. Thực dân Pháp khai thác tối đa tiềm lực nông nghiệp nước ta.

Công cuộc khẩn hoang ở đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh, tạo nên những cánh đồng lúa "thẳng cánh cò bay". Ghi nhận "một yếu tố mới trong nền kinh tế Việt Nam" sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: "Tư bản Pháp đổ xô vào đồn điền" và "Bọn thực dân đổ xô vào đất đỏ Tây Nguyên như lũ mèo chớp phải miếng mỡ". Hàng loạt đồn điền cao su được thiết lập ở tất cả những nơi điều kiện. Cây cà phê được trồng nhiều ở phía Bắc. Than đá vùng đông bắc được khai thác mạnh. Giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt mở mang dần. Một số xí nghiệp cơ khí nhỏ - chủ yếu là cơ khí sửa chữa, một số nhà máy giấy, dệt, sợi, xi măng, chế biến - phần lớn xay xát gạo để xuất khẩu - lần lượt mọc lên ở đó đây theo nhu cầu tình thế. Theo số liệu ước tính của nhà kinh tế Mỹ Callis, nếu trong thời gian hơn 30 năm, từ năm 1888 tức là ngay sau khi thực dân Pháp thiết lập chế độ thực dân ở Việt Nam cho đến năm 1920, đầu tư tư nhân vào Đông Dương khoảng 500 triệu frăng vàng, thì chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 1924 đến năm 1929, tổng đầu tư của tư bản Pháp vào đây đã lên tới hơn 3 tỷ frăng vàng. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ con số nhỏ nhoi là 60 triệu đồng Đông Dương mấy năm đầu thế kỷ XX đã nhích dần lên tới 230 triệu đồng năm 1929. Thống kê của Sở Thanh tra lao động của Pháp ở Đông Dương hồi ấy cho biết, đội ngũ công nhân thời gian này đã đông hơn 220.000 người, trong đó 530.000 là thợ mỏ, 86.000 thợ nhà máy, viên chức thương nghiệp và 81.000 công nhân đồn điền.

Sản xuất phát triển và sự bóc lột thậm tệ của chủ nghĩa thực dân dẫn tới việc hình thành giai cấp vô sản Việt Nam. Đó là những công nhân làm việc ở các xí nghiệp, hầm mỏ và đồn điền cao su; bên cạnh họ là một số lượng ngày càng đông những nông dân hoàn toàn không có tư liệu sản xuất, quanh năm làm thuê kiếm sống trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt giữa bọn thực dân thống trị phong kiến tay sai của chúng với đông đảo nhân dân Việt Nam; giữa những kẻ bóc lột với những người bị bóc lột. Các tầng lớp tri thức, trung lưu cũng ngày càng cảm thấy chua xót, bế tắc.

Tuy nhiên, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam cho dù có bị dồn nén, bóp nghẹt, bị lợi dụng bằng nhiều thủ đoạn song không chút suy giảm và vẫn bùng lên mạnh mẽ. Thông qua báo chí và nhiều kênh khác, tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười Nga, của các cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh dần dần đến được với một số người, trước hết là trí thức, nhân sĩ. Một vài tờ báo tiếng Pháp xuất bản ở Việt Nam cũng có thông tin - dù hết sức ít ỏi - về tình hình cách mạng ở nước Nga và về V.I. Lenin. Đã đến lúc phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam cần một đường hướng mới. Xã hội Việt Nam đã đến lúc hội đủ những điều kiện cần thiết tối thiểu để tiến tới xây dựng một tổ chức tiên phong làm sứ mệnh dẫn dắt dân tộc trên con đường tự giải phóng, giành độc lập, tự do.

Nguyễn Ái Quốc tiếp cận chủ nghĩa Marx-Lenin ngay từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XX qua tiếp xúc với những người xã hội chủ nghĩa Pháp. Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp vừa mới thành lập, Người cùng một số nhà cách mạng ở các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Sau khi sang Liên Xô và ở lại một thời gian để nghiên cứu lý luận và thực tiễn vận động cách mạng, năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc để được gần Tổ quốc và có điều kiện trực tiếp chỉ đạo cách mạng hơn.

Mặc dù xa đất nước đã mười mấy năm, đi đến đâu Người cũng hết sức quan tâm theo dõi tình hình thời cuộc ở nước nhà. Người nắm khá vững hoạt động của báo chí trong nước. Ở Quảng Châu, Người quan hệ chặt chẽ với Tâm Tâm xã, một tổ chức cách mạng của các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1925, cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản ở Paris. Cuốn sách dũng cảm vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, làm náo động dư luận nước Pháp và có ảnh hưởng sâu sắc ở các nước thuộc địa. Cũng năm ấy, ở trong nước, nhân dân ba kỳ sôi nổi đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà cách mạng Phan Bội Châu vừa bị chúng bắt từ Trung Quốc đưa về nước kết án tử hình. Các cuộc diễn thuyết của chí sĩ Phan Chu Trinh được hoan nghênh nhiệt liệt.

Xuất phát từ lập trường của giai cấp công nhân và rút kinh nghiệm từ những việc lớn không thành của các nhà cách mạng tiền bối, Nguyễn Ái Quốc ý thức rõ, cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo một đường lối khác. Phải phát động và lãnh đạo nhân dân trong nước cùng đứng lên, phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp ở chính quốc và cuộc đấu tranh của nhân dân các nước khác, lật đổ chế độ cai trị của thực dân, đế quốc cùng bè lũ tay sai, giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi xiềng xích nô lệ, giành lại độc lập, tự do.

Nhưng, "không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng". Không có một tổ chức tiên phong để lãnh đạo cách mạng theo đường lối và bước đi thích hợp thì cách mạng không thể thành công. Mà muốn phát động và mở rộng nhanh chóng phong trào cách mạng, muốn đi đến sự nhất trí về lý luận, chính trị và tư tưởng để xây dựng tổ chức cách mạng tiên phong thì không thể không có tờ báo cách mạng. "Tờ báo ấy – theo quan niệm của Lenin – sẽ như một bộ phận của cái lò rèn khổng lồ thổi cho mỗi tia lửa của cuộc đấu tranh giai cấp và của sự phẫn nộ trong nhân dân bùng lên thành một đám cháy lớn".

Tư duy của Nguyễn Ái Quốc về báo chí này trùng hợp với quan điểm của Lenin về vai trò của tờ báo thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười Nga. Lenin viết: "Theo ý chúng tôi thì điểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập cái tổ chức mong muốn, và cuối cùng sợi dây chính là nếu nắm được nó thì chúng ta có thể sẽ không ngừng phát triển, củng cố và mở rộng tổ chức ấy – phải là việc thành lập tờ báo chính trị toàn Nga. Chúng ta cần trước hết là tờ báo, - không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện".

Cũng như Lenin, Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng phải nắm được trong tay một tờ báo xuất bản đều thì mới có điều kiện tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động một cách đều đặn và toàn diện Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lenin: "Cái mà nhất thiết chúng ta cần phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Nếu đảng cách mạng không biết thống nhất tác động của mình với quần chúng bằng tiếng nói của báo chí thì ý muốn tác động bằng các phương pháp khác, mạnh mẽ hơn, chỉ là một ảo tưởng mà thôi".

Về tổ chức, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội). Đúng như tên gọi là tổ chức này, đây chưa phải là Đảng cộng sản mà chỉ là một tổ chức quá độ để tiến lên thành lập Đảng cộng sản. Hội là cái lò giác ngộ, đào tạo, huấn luyện những thanh niên công nhân, nông dân và học sinh được tuyển từ trong nước ra nước ngoài. Sau khi dự các lớp huấn huyện do Người mở, những thanh niên này sẽ trở về nước hoạt động cách mạng. Họ là những hạt giống ưu tú của cách mạng Việt Nam.

Về tuyên truyền, nhất thiết phải ra tờ báo. Mặc dù ở xa đất nước, Nguyễn Ái Quốc nắm rõ tình hình báo chí nước nhà. Người thấu hiểu những khó khăn mà các nhà báo yêu nước, đầy nhiệt huyết phải đương đầu. Năm 1924, ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã từng thốt lên: "Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi… Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy".

Mặc dù ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc nghe rõ lời than của các nhà báo trong nước: "Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giải bày, đó là số kiếp của 25 triệu đồng bào ta… Lịch sử báo giới ta đã trải qua mấy chục năm, những người làm báo hoàn toàn là những người miệng câm tai điếc… Mỗi khi ta cầm đến ngòi bút, cầm đến tờ báo, không khỏi bầm gan tím dạ, thẹn ruột đau lòng".

Không thể xuất bản báo chí cách mạng bằng tiếng Việt ở trong nước. Ra báo tiếng Pháp thì không thể phổ cập trong quần chúng lao động là những người ít được học, thậm chí thất học. Là người từng nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng nhiều nước, đặc biệt là cách mạng Nga, và qua kinh nghiệm của chính bản thân, Nguyễn Ái Quốc hiểu, không thoát ra ngoài vòng cùm kẹp của chế độ kiểm duyệt thực dân, thì không thể công khai bày tỏ hết tiếng nói của mình, đặc biệt là không thể nào lớn tiếng tố cáo chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bè lũ phong kiến để thức tỉnh đồng bào, như Người từng làm ở ngoài nước, khi viết Bản án chế độ thực dân Pháp và nhiều tác phẩm báo chí, văn học đặc sắc chiếm trọn ba tập đầu của bộ Hồ Chí Minh toàn tập. Qua các tác phẩm của K. Marx, Lenin, Người rút được kinh nghiệm: Chỉ còn có một con đường. Con đường ấy là tổ chức biên tập và thực hiện một tờ báo cách mạng ở nước ngoài, rồi bí mật đưa về lưu hành (nếu có điều kiện thì nhân lên) ở trong nước.

Sự ra đời của tờ Thanh Niên, số 1 ra ngày 21/6/1925, là một quyết định sáng suốt và đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Quyết định này có hiệu quả vô cùng to lớn đối với tiến trình cách mạng Việt Nam từ giữa thập niên 20 trở đi. Với gần 90 số báo ra gần như đều đặt hằng tuần trong hai năm, báo Thanh niên đã làm được một công việc to lớn là "lưu hành không hợp pháp ở trong nước và bắt đầu truyền bá tư tưởng Marx-Lenin trong nhân dân ta". Tác phẩm Đường cách mệnh, chủ yếu dựa vào những bài đã lần lượt đăng trên báo Thanh niên, đã phác họa lộ trình đưa dân tộc ta tới Cách mạng Tháng Tám thành công, và tiếp tục làm nên sự nghiệp vẻ vang như ngày nay.

Báo Thanh niên mà người sáng lập, người chỉ đạo và người biên tập chính là Nguyễn Ái Quốc, đã có công lao to lớn là chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của báo Thanh niên, trong nền báo chí Việt Nam xuất hiện dòng báo chí mới, báo chí cách mạng. Đây là một cống hiến rất quan trọng, một cái mốc vàng trong tiến trình xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 2.

Sự ra đời của tờ Thanh Niên, số 1 ra ngày 21/6/1925, là một quyết định sáng suốt và đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc.

Suy ngẫm về nguồn cội

Khi tờ Thanh niên ra số đầu tiên, nền báo chí quốc văn Việt Nam đã tồn tại được sáu mươi năm bắt đầu từ tờ Gia Định báo. Tuy nhiên, nếu tính từ ngày K. Marx sáng lập Báo Rênani mới (1/6/1848) với tư cách là cơ quan của Đồng minh những người cộng sản, mở đầu dòng báo chí cách mạng trên thế giới, thì được 77 năm. Trên Liên bang Xô viết mênh mông, báo chí cách mạng đã trở thành báo chí của đảng cầm quyền và là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của đất nước.

Từ ngày ấy đến hôm nay, đã 97 năm qua. Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Thời kỳ nhân dân ta chưa giành được chính quyền, trong sự đàn áp khốc liệt và chế độ thống trị hà khắc của thực dân, báo chí cách mạng phải hoạt động trong vòng bất hợp pháp, song chưa lúc nào đứt đoạn mà vẫn phát triển không ngừng. Báo của Trung ương có thể bị tịch thu, bị ngừng xuất bản vì những người lãnh đạo Trung ương đã bị bắt hết, thì báo của xứ ủy, các tỉnh ủy, huyện ủy vẫn tiếp tục lưu hành. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cứ mỗi lần cách mạng trải qua một bước ngoặt quyết định thì báo chí lại có điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới. Qua các bước thăng trầm của thời cuộc, báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn nhìn thẳng vào phương hướng bất biến của mình là phấn đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó chính là nguyên nhân cắt nghĩa vì sao báo chí cách mạng Việt Nam luôn tìm được những hình thức thích hợp để thích ứng, tồn tại và phát triển.

Bước vào thiên niên kỷ mới, nhân dân Việt Nam tự hào về những thành tựu mà báo chí cách mạng đã giành được hơn 97 năm qua. Để hiểu đầy đủ quá trình phát triển và nhất là cắt nghĩa tính kiên định và nhất quán của báo chí cách mạng Việt Nam, không thể không đi ngược thời gian để lên tìm cội nguồn của nó.

1. Báo chí cách mạng Việt Nam bắt nguồn trước hết từ khuynh hướng yêu nước, dân chủ trong báo chí hợp pháp, đặc biệt từ khi báo chí quốc văn ra khỏi giai đoạn phôi thai, nặng chất công báo để dần dần trở thành một hệ thống báo chí với đầy đủ những đặc trưng của các cơ quan thông tin ngôn luận, như xuất bản định kỳ, lưu hành rộng rãi, có độc giả ổn định, có đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp,…

Ngay trên tờ báo tiếng Việt thứ hai ra đời tiếp sau tờ Gia Định báo vào nửa cuối thế kỷ XIX là tờ Phan Yên, đã có loạt bài công khai phê phán chính sách cai trị của thực dân Pháp. Đương nhiên nhà cầm quyền tìm cách đối phó, ngăn ngừa, đàn áp. Nhưng tiếng nói yêu nước, dân chủ, tiến bộ phản ánh ý chí quật cường của nhân dân ta không vì thế bị dập tắt mà ngược lại, vẫn tiếp tục vang lên ngày càng rõ ràng hơn, dõng dạc hơn dưới nhiều hình thức. Tác phẩm báo chí của những tên tuổi như Diệp Văn Cường, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế,… tuy đăng tải trên báo chí hợp pháp, công khai, phần lớn được xuất bản do tiền bạc và sự bảo trợ của nhà cầm quyền, nhưng lại mang tính tố cáo và phản kháng mạnh mẽ chống lại chế độ thực dân và bè lũ tay sai phong kiến; cổ súy nhân dân yêu nước thương nòi, đề cao nhân ái, giữ vững ý chí, khuyến khích chấn hưng kinh tế, đòi hỏi tự do kinh doanh, tự do báo chí, kêu gọi bài trừ hủ tục, tố cáo bọn tham quan ô lại…

2. Trong cội nguồn nội tại – có thể gọi là truyền thống – của báo chí cách mạng Việt Nam, phải kể một nguồn rất quan trọng là thơ văn yêu nước và cách mạng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đó là những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Đoàn Hữu Trưng, Trần Xuân Soạn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền… nửa sau thế kỷ XIX. Trong số những tác phẩm thời kỳ này có nhiều trường hợp khuyết danh nhưng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân dưới dạng dân ca, hò vè, câu đối, lời điếu, ca dao, ngạn ngữ.

Sang đầu thế kỷ XX, nội dung các tác phẩm báo chí - văn học (phần lớn lưu truyền không qua con đường báo chí hợp pháp) giảm dần sắc thái trung với vua theo quan điểm Nho giáo như hồi cuối thế kỷ XIX, mà nghiêng về hướng cách tân, yêu cầu mở mang dân trí, đòi hỏi dân quyền. Huyết thư của Phan Bội Châu gửi từ hải ngoại; bài ca Tỉnh hồn bước của Phan Chu Trinh kêu gọi "những người tuổi trẻ tài cao, rủ nhau đi học mọi điều văn minh, Ngô Đức Kế luận về chính học cùng tà thuyết, phê phán quan điểm vong quốc của Phạm Quỳnh; Đặng Nguyên Cẩn cổ động tân học; Trần Quý Cáp khuyên người trong nước học chữ quốc ngữ, Đỗ Cơ Quang điếu mười hai liệt sĩ ở Hoàng Hoa Cương… Đông Kinh nghĩa thục phát hành Văn minh tân học sách nêu lên sáu chính sách lớn: Dùng chữ quốc ngữ, hiệu đính sách mở, sửa đổi phép thi, cổ vũ nhân tài, chấn hưng công nghệ và đặc biệt nói rất kỹ, rất thiết tha về nhu cầu bức xúc xuất bản báo chí bằng quốc văn.

Những tác phẩm báo chí, thơ văn yêu nước và cách mạng hoặc được công bố qua các phương tiện thông tin, hoặc lưu truyền trong nhân dân qua nhiều kênh khác, đều là những cội nguồn trực tiếp và nội tại của báo chí cách mạng Việt Nam. Dòng báo chí, thơ văn ấy thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà "yêu nước là tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị. Nó là tư tưởng chủ yếu, là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam". Từ đó, nếu ngược dòng lên nữa, có thể khẳng định báo chí cách mạng bắt nguồn sâu xa từ truyền thống yêu nước, từ tinh túy của văn hiến Việt Nam.

3. Báo chí cách mạng Việt Nam còn bắt nguồn từ báo chí cách mạng, dân chủ và tiến bộ thế giới, và chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền báo chí ấy, trong khi trước sau nó vẫn giữ được đậm đà tính cách dân tộc.

Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc khởi đầu sự nghiệp của mình ở nước ngoài. Những tác phẩm báo chí, văn học đầu tiên của Người - trong đó có những tác phẩm xuất sắc nhất được thực hiện tại Pháp và đăng tải trên báo chí tiến bộ Pháp, chủ yếu những báo và tạp chí do Đảng Xã hội (khi Đảng Cộng sản Pháp chưa thành lập) và Đảng Cộng sản Pháp chủ trương; rồi sau đó  đăng trên báo chí Nga, Trung Quốc. Có thể nói, báo chí cách mạng Pháp đã đào tạo nên cây bút Nguyễn Ái Quốc khi Người còn trẻ. Những ngày nghiên cứu lý luận và thực tiễn ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc để tâm nghiên cứu kinh nghiệm của báo chí cách mạng Nga. Khi về Trung Quốc, Người vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ và cộng tác thường xuyên với báo chí cách mạng Trung Quốc.

Trước khi tờ báo Thanh niên ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã cùng bạn bè, đồng chí nước ngoài ở Paris xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) số đầu tiên ra ngày 1/4/1922, mang nội dung cách mạng rõ rệt. Báo Le Paria có nhiều bài đề cập đến vấn đề Việt Nam. Nhưng dù sao, tờ báo được thực hiện bằng tiếng Pháp ở nước ngoài và ghi rõ ở tiêu đề là Diễn đàn các dân tộc thuộc địa (ít lâu sau đổi thành Diễn đàn của vô sản thuộc địa). Báo Việt Nam hồn khởi thủy từ ý định của Nguyễn Ái Quốc muốn xuất bản và lưu hành trong những người Việt Nam sinh sống ở Pháp. Song khi Người rời khỏi nước Pháp, tờ báo mới ra đời do Nguyễn Thế Truyền làm chủ bút, và càng về sau càng không giữ được đúng mục đích, tôn chỉ ban đầu. Hai tờ báo nên coi như thuộc cội nguồn ngoài nước của báo chí cách mạng Việt Nam.

4. Từ khi ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã cùng với phong trào cách mạng của nhân dân ta trước Cách mạng Tháng Tám trải qua bao giai đoạn thăng trầm, lúc cao trào dâng lên cũng như lúc phong trào tạm thời lắng xuống. Sau năm 1945 điều kiện nhìn chung có thuận lợi hơn so với thời hoạt động bí mật song vẫn không tránh khỏi tác động trực tiếp của thời cuộc. Trong mọi hoàn cảnh, nó vẫn trước sau giữ được trọn vẹn, nhất quán tính cách mạng để tiếp tục phát triển không ngừng. Từ năm 1986 khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam lại được bổ sung động lực để phát triển toàn diện mạnh mẽ. Đến 30/11/2021, báo chí cách mạng Việt Nam với 816 cơ quan báo chí, với đủ các loại hình báo chí và 17.161 phóng viên, biên tập viên, báo chí Việt Nam đã vươn lên sánh vai cùng báo chí các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Được như vậy là nhờ nó luôn được soi đường bởi lý luận cách mạng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Căn cứ vào nền tảng chính trị - tư tưởng cũng như qua xem xét các đặc trưng cơ bản của báo chí cách mạng 97 năm qua, có thể khẳng định chủ nghĩa Marx-Lenin là một trong những cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,144
  • Tháng hiện tại33,036
  • Tổng lượt truy cập1,489,319
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây