Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trương Chí Cương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (03/01/1919-03/01/2024)

Thứ tư - 03/01/2024 13:52 236 0

Nhận xét về đồng chí Trương Chí Cương, đồng chí Võ Chí Công nhấn mạnh:“Suốt quá trình 40 năm công tác của mình, đồng chí Trương Chí Cương đã giành trọn tâm huyết, trí tuệ, sức lực, liên tục chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng. Thời kỳ Đảng ta còn trong vòng bí mật và tiếp theo hai cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, đồng chí luôn có mặt ở các chiến trường vùng địch hậu với nhiều cuộc đấu tranh thử thách lớn vào sinh ra tử. Trong thuận lợi cũng như trong khó khăn, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh, ý chí cách mạng, dám nghĩ, dám làm, chủ động, độc lập công tác, gan dạ, nêu cao ngọn cờ tiến công cách mạng”.

Trọn đời tiến công

Đồng chí Trương Chí Cương tên thật là Trương Kiểm, còn gọi là Trương Công Thuận, Tư Thuận, sinh ngày 03/01/1919, tại xã Xuyên Châu, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Trước cảnh tủi nhục của người dân nô lệ, đồng chí đã sớm nuôi ý chí căm thù bọn đế quốc thực dân phong kiến, sớm tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước. Năm 1936, đồng chí được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Dân chủ làng Phụng Tây. Cuối năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An. Trong tù, mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất, ngoài việc tham gia các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, động viên anh em giữ vững ý chí đấu tranh của người cộng sản… đồng chí còn tích cực tự học tập, nâng cao trình độ văn hoá và lý luận chính trị, nhờ đó đã nhanh chóng nắm bắt lý luận, phương pháp công tác. Chính những điều này được Trương Chí Cương vận dụng trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng của bản thân sau này.

Cuối năm 1940, sau khi thoát khỏi cảnh tù đày, đồng chí nhanh chóng bắt nối, xây dựng cơ sở hoạt động với tất cả sức lực của tuổi trẻ, với mong muốn hiến dâng cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Năm 1941, mặc dù bị mất liên lạc với cấp trên, nhưng qua quá trình học tập, giác ngộ về tôn chỉ, mục đích của Đảng, đồng chí Trương Chí Cương đã đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Phụng Tây. Chi bộ này về sau được đồng chí Võ Toàn, Bí thư Tỉnh uỷ công nhận là chi bộ chính thức.

Trong bài viết Hiến dâng trọn đời, trong cuốn Trương Chí Cương trọn đời tiến công, Nxb CTQG, 2005, trang 23, đồng chí Võ Toàn viết: “Năm 1940, đồng chí ra tù, với hoài bão đem hết tâm lực và hiểu biết của mình để hoạt động phục vụ cách mạng. Năm 1941, lúc bấy gờ địa phương không liên lạc được với cấp trên đồng chí tự thành lập chi bộ gồm 4 đảng viên đều là thợ thủ công từng trải qua phong trào cách mạng. Đồng chí nhận trách nhiệm Bí thư Chi bộ. Tôi thay mặt Tỉnh ủy về kiểm tra công nhận là Chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Sau đó, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Phủ ủy Duy Xuyên. Tháng 11/1941, đồng chí được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam. Rồi được Tỉnh ủy điều làm Bí thư Phủ uỷ Tam Kỳ. Với trọng trách được giao, đồng chí cùng với tập thể Phủ uỷ triển khai, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng ở nhiều làng tham gia các cuộc mitting, phổ biến rộng rãi Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Chương trình của Mặt trận Việt Minh, xây dựng tổ chức Ban Việt Minh và các tổ chức quần chúng cứu quốc, phát triển thêm ba chi bộ,…

Tháng 6/1942, địch tăng cường đánh phá, Tỉnh uỷ và các tổ chức cơ sở Đảng các phủ, huyện một lần nữa bị bể vỡ nặng. Đồng chí Trương Chí Cương lại bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An. Tại nhà lao Hội An, với kinh nghiệm và ý chí cách mạng của mình, đồng chí Trương Chí Cương nhanh chóng thành lập ngay một chi bộ trong nhà lao để tập hợp, củng cố tư tưởng anh em tù chính trị, đẩy mạnh học tập chính trị và văn hoá; tổ chức đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, nhất là đấu tranh đòi cải thiện chế độ ăn, ở của anh em tù chính trị. Với những hoạt động đó, đồng chí bị xếp vào danh sách “cứng đầu” và bị kết án 12 năm khổ sai và đày đi nhà đày Buôn Ma Thuột.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí được Đảng uỷ nhà đày phân công về gây dựng cơ sở ở Phú Yên, tham gia thành lập Tỉnh ủy lâm thời và được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên và cùng tập thể Tỉnh uỷ, Mặt trận Việt Minh, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh tổ chức xây dựng chính quyền, mặt trận, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1946 đến năm 1954, đồng chí Trương Chí Cương được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách: Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận, Ủy viên Liên Khu ủy 5, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiêm Bí thư Ban Cán sự Cực Nam Trung Bộ. Năm 1953, đồng chí được Liên Khu ủy điều về làm Bí thư Ban cán sự miền Tây Quảng Nam.

Sau Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), đồng chí được Liên Khu uỷ 5 chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuối năm 1955, do tình hình sức khỏe yếu, đồng chí Trương Chí Cương được đưa ra miền Bắc điều trị, rồi lần lượt được phân công làm Phó Ban Quan hệ Bắc Nam, Ủy viên Ban Thanh tra Chính phủ.

Cuối năm 1959, đồng chí vào lại chiến trường miền Nam. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tháng 01/1960, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Sau Đại hội, đồng chí đã cùng Tỉnh uỷ chỉ đạo nghiên cứu và thi hành Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xây dựng lại lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh, tổ chức một số trận đánh vào nhiều đồn bót quan trọng của địch ở miền núi như Bến Hiên, Bến Giằng, Trao, Galâu, Atép, Hiệp Đức… giải phóng miền núi, phát động đồng bào các dân tộc làm chủ rừng núi; làm chỗ đứng chân của Tỉnh uỷ và Khu uỷ 5…

Tháng 11/1960, đồng chí Trương Chí Cương được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Liên Khu uỷ 5. Giữa năm 1961, Phó Bí thư Khu ủy 5, được bầu bổ sung Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, rồi Ủy viên Trung ương Cục miền Nam. Trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đồng chí được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Chính ủy mặt trận 4.

Đến tháng 11/1971, được phân công làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3). Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên năm 1972, đồng chí Trương Chí Cương được phân công làm Thường trực Thường vụ Khu uỷ 5, trực tiếp phụ trách các lớp chuẩn bị cho việc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Đầu năm 1973, đồng chí Trương Chí Cương được Trung ương điều ra công tác ở miền Bắc và được phân công giữ chức vụ Phó Ban Miền Nam. Năm 1974, do bệnh nặng, đồng chí được đưa sang nước Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa bệnh. Sau đó về nước, những ngày nằm trên dường bệnh, đồng chí vẫn lạc quan, tin tưởng và yêu cầu được nghe tình hình miền Nam, miền Bắc, thế giới, xin góp ý kiến về phong trào cách mạng và động viên những người xung quanh tiến lên hoàn thành nhiệm vụ. Khi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, đồng chí nói: “Chỉ tiếc là không có sức khỏe để phục vụ Đảng, phục vụ dân tộc góp phần hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Giữa lúc công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang liên tiếp giành thắng lợi và bước vào giai đoạn quyết định thì ngày sáng 24/3/1975, đồng chí Trương Chí Cương từ trần do bệnh hiểm nghèo. Trước khi qua đời, đồng chí đã nhắn: “Xin vĩnh biệt bác Tôn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, toàn thể Trung ương Đảng và các đồng chí thân thiết. Chúc cách mạng miền Nam thắng lợi, chúc miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công”. Đúng như di nguyện và mong ước của đồng chí cũng như mong ước của cả dân tộc, trưa ngày 24/3/1975 thị xã Tam Kỳ. Đây là tỉnh lỵ trên quốc lộ 1A đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, tiếp đó ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

S

Như thân gỗ quý

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà vừa ra sức chiến đấu, vừa góp phần công sức xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào một ngày tháng 5/1974, tại Hội trường Ba Đình, đồng chí Trương Chí Cương và đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng Ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Khu ủy 5 vô cùng vui mừng chào đón đoàn xe của Khu 5 chở gỗ quý ra xây Lăng Bác. Tiếc rằng, đồng chí Trương Chí Cương lại không được chứng kiến Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoàn thành. Trong hồi ức của mình, đồng chí Đỗ Mười đã viết: “Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây bằng sự hội tụ tình cảm đặc biệt của Nhân dân Việt Nam nói chung và quân dân cả nước nói riêng đối với Bác Hồ. Trong quá trình xây dựng Lăng Bác, tôi còn được đón nhận tấm lòng của của đồng bào cả nước trong nhiều dịp khác nhau, nhưng “những thân gỗ quý” của miền Trung là một kỷ niệm không thể quên. Không ai ngờ, một Tư Cương vui vẻ, trẻ trung, nhanh nhẹn như thế đã hy sinh sau một chuyến công tác đặc biệt vào chiến trường ít tháng sau đó… Nếu có thể ví, xin được ví đồng chí như thân gỗ quý nhất của miền Trung ngày ấy. Như thế, đồng chí sẽ ngày đêm được ở cạnh Bác Hồ. Tấm lòng và tình cảm đặc biệt của Tư Cương đã trở thành kỷ niệm còn mãi trong tôi”.

Gần 40 năm liên tục chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, lúc hoạt động công khai hay lúc bí mật, những năm tháng kháng chiến chống Pháp hay thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, đã nhiều lần vào sinh ra tử. Dù ở đâu, hay bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn thể hiện tinh thần cách mạng kiên trung và là một người lãnh đạo đồng cam cộng khổ, sâu sát cơ sở với đồng bào, đồng chí. Là người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng và Nhân dân, đồng chí Trương Chí Cương đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Với công lao và sự cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trương Chí Cương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên của đồng chí đã được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ và các địa phương trong cả nước.

Tác giả bài viết: Đông Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,658
  • Tháng hiện tại19,019
  • Tổng lượt truy cập1,137,224
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây