Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Văn Định - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam 11/5 (1903 - 2023)

Thứ ba - 09/05/2023 08:00 354 0

Từ quê hương Tùng Ảnh…

Đồng chí Phan Văn Định sinh ngày 11/5/1903, tại làng Đông Thái, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước. Sau khi học xong bậc tiểu học Phan Văn Định thi đỗ vào trường Kỹ nghệ thực hành Huế, học ngành lái xe ôtô.

Sau khi tốt nghiệp, năm 1923 Phan Văn Định lần lượt làm việc cho một Bác sĩ người Pháp ở đồn Mang Cá (Huế), rồi lái xe cho viên bác sĩ người Pháp khác là Tardieu ở Bệnh viện Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, ngoài thời gian lái xe, Phan Văn Định còn tiếp xúc với những thanh niên tiến bộ như: Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Sơn Trà đang làm việc ở Bưu điện Đà Nẵng, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ. Sau đó, nhóm lái xe có tư tưởng tiến bộ ở Đà Nẵng dần hình thành, thường xuyên chuyện trò, trao đổi tư tưởng nhưng vẫn chưa xác định thành lập tổ chức gì. Cùng sinh hoạt với nhóm lái xe của Phan Văn Định còn có đồng chí Lê Duẩn (sau này là Tổng Bí thư), làm việc ở ga Đà Nẵng.

Năm 1925, gặp lúc Cụ Phan Bội Châu bị Pháp giải về Huế quản thúc, Phan Văn Định và các bạn đến thăm và được Cụ Phan khuyên: “Làm nghề gì bây giờ cũng là làm nô lệ cho Tây. Anh em trai trẻ, sức dài vai rộng nên tìm cách giải thoát cho được ách nô lệ  này”. Được lời khuyên của Cụ Phan, cùng lời nhắn nhủ của người cha đồng chí Lê Duẩn khi vào ông vào Đà Nẵng thăm con, rằng: “Các chú còn trẻ, hiểu biết nhiều, có chí lớn muốn đuổi Pháp, giành độc lập cho đất nước, bác mừng lắm. Nhưng đuổi Pháp mà chỉ có cái nhóm đọc báo, nói thế sự như ri thì không được đâu. Các chú phải liên hệ rộng hơn, tìm người tin cậy, lập thành tổ chức mới mần ăn nên chuyện”. Đầu năm 1926, Phan Văn Định thành lập một tổ chức lấy tên Hội Ái hữu lái xe Trung Kỳ. Rồi tham gia tổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội VNCMTN) ở Đà Nẵng. Sau khi được kết nạp vào Hội VNCMTN, Phan Văn Định càng đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em công nhân ở các ngành. Tháng 3/1928, Phan Văn Định cùng anh em Hội VNCMTN tổ chức cho anh em lái xe ở xưởng Staca đấu tranh đòi phụ cấp thêm lương trong những ngày đi xe. Cuộc đấu tranh có sự ủng hộ của anh em lái xe ở Nha Trang và Quy Nhơn và thu được thắng lợi, gây ảnh hưởng tốt trong quần chúng.

Tháng 4/1928, được một người bạn giới thiệu Công sứ Người Pháp tại Hội An đang cần một người lái xe giỏi tiếng Pháp. Với tấm bằng lái xe loại ưu, biết sửa chữa ôtô, lại từng là lái xe riêng cho một bác sĩ người Pháp ở Đà Nẵng, Phan Văn Đinh trở thành lái xe cho tên Công sứ. Tại Hội An, Phan Văn Định tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Hội VNCMTN Hội An. Tháng 3/1929, Kỳ bộ Trung Kỳ chủ trương tách Đà Nẵng ra khỏi Tỉnh bộ Quảng Nam. Phan Văn Định được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội VNCMTN Quảng Nam.

Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam

Ngày 28/3/1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập đồng chí Phan Văn Định được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Ngay sau khi thành lập Đảng bộ, nhân kỷ niệm Quốc tế lao động (1.5), nhằm tập hợp, gây ảnh hưởng, thanh thế của Đảng trong quần chúng nhân dân, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động sâu rộng, như rải truyền đơn, treo cờ Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định là người khởi xướng đồng thời là người phụ trách số ra đầu tiên của báo Lưỡi Cày. Ngày 1/5/1930, được xem ra số đầu tiên của báo Lưỡi Cày - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Không chỉ là người có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chung, đồng chí Phan Văn Định còn làm nhiệm vụ phát hành: “Lợi dụng việc lái xe cho Công sứ Pháp vào Tam Kỳ, đồng chí Phan Văn Định còn đem và rải truyền đơn, báo Lưỡi Cày dọc Quốc lộ 1, làm cho tri phủ Tam Kỳ ngỡ ngàng, lúng túng tìm cách đối phó”.


Đồng chí Phan Văn Định - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam

Do việc lái xe cho viên Công sứ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo phong trào cách mạng, đặc biệt là xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn, nên trong cuộc họp Tỉnh ủy tháng 8/1930, đồng chí Phan Văn Định đã đề nghị đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư Tỉnh ủy thay mình. Trong Hồi ký của mình, đồng chí Phan Văn Định viết: “Việc cử đồng chí Thâm thay tôi rất dễ hiểu: tôi ít gần phong trào lại vướng mắc việc nhà sứ (lái xe cho Công sứ), không có điều kiện và đủ sức để đáp ứng phong trào đang dồn nén như nước lũ áp bờ. Tỉnh ủy họp nhất trí cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư, phụ trách các huyện từ Quế Sơn trở vào, tôi Phó Bí thư phụ trách tổ chức, ấn loát, tài chính”.

Cuối năm 1930, Cơ quan Tỉnh ủy bị lộ, đồng chí Phan Văn Định bị bắt giam tại nhà lao tỉnh Quảng Nam, rồi bị đưa xuống nhà lao Hội An. Tại nhà lao Hội An, Phan Văn Định cùng các đồng chí khác tiếp tục cuộc đấu tranh, đặc biệt tổ chức tuyệt thực một ngày để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5). Để đối phó với tù nhân, tháng 8/1931, bọn thống trị tăng án một số người và đày hơn 20 người, trong đó có Phan Văn Định mà chúng cho là “nguy hiểm”, “cứng đầu” đi Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

Tháng 8/1934, đồng chí Phan Văn Định ra tù và bị đưa về quản thúc tại quê nhà. Năm 1937, đồng chí được tổ chức Đảng ở Bến Thủy cử tham gia đón tiếp phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của Chính phủ Pháp do Go-đa dẫn đầu. Năm 1940, do những hoạt động trên, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh.

Tháng 3/1945, ra tù, đồng chí tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Đức Thọ. Ngày 8/8/1945, Ban Việt Minh liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Tại Hội nghị này, Phan Văn Định được cử vào ủy ban Khởi nghĩa huyện Đức Thọ, làm ủy viên quân sự. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí gia nhập quân đội và tham gia chỉ huy đánh quân Pháp ở mặt trận Na- Pê, Lào. Từ tháng 4/1946, đồng chí chuyển sang công tác ở Bộ Tư lệnh Quân Liên Khu 4, giữ chức Trưởng ban giao thông vận tải Quân khu. Từ tháng 10/1949, chuyển sang Cục Quân nhu của Tổng cục Hậu cần. Từ tháng 01/1957, đồng chí chuyển về Cục Nông trường, Bộ Quốc phòng, giữ chức Giám đốc Nông trường Thắng lợi và từ tháng 6/1962 làm Giám đốc Nông trường 20-4. Năm 1966, đồng chí nghỉ hưu và tham gia công tác ở địa phương.

Tấm gương người cộng sản mẫu mực

Ngày 15/4/1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn về làng Tùng Ảnh, thăm Nhà lưu niệm đồng chí Trần Phú - Cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Dịp này, Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp lại đồng chí Phan Văn Định. Trong giây phút xúc động, trước đông đảo cán bộ và nhân dân địa phương, Tổng Bí thư vui vẻ nói: “Năm 1940 đi qua Đức Thọ, tôi đã ngủ 2 đêm trên thuyền giữa Sông La này. Người đưa tôi ra thuyền ngủ để đảm bảo an toàn và bí mật lúc đó là đồng chí Định... Khi tôi vào Đảng, anh Định đây là Bí thư chi bộ và cũng là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Lão đồng chí Phan Văn Định là tấm gương mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo”.

Những người từng tiếp xúc với Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định đều nhận thấy ở đồng chí một đức tính nổi bật, đó là sự khiêm nhường, giản dị. Năm 1979 Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức sưu tầm, xuất bản hồi ký của các vị tiền bối cách mạng, Nhà văn Nguyễn Bá Thâm được phân công viết về đồng chí Phan Văn Định. Nhà văn vẫn còn nhớ như in về lần gặp gỡ ấy: “Ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là  một con người rất thong dong, điềm đạm, kể chuyện cực kỳ khiêm tốn, không khoe khoang chức vụ gì cả. Khi tôi hỏi chuyện về những năm tháng cụ hoạt động ở Đà Nẵng, Hội An rồi làm Bí thư Tỉnh ủy, cụ kể rất khiêm tốn, chủ yếu kể về phong trào, kể về đồng đội của mình… Mọi thứ với cụ rất chân tình, rất dễ gần gũi”.

Luôn coi Quảng Nam – Đà Nẵng là quê hương thứ hai

Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phan Văn Định đã nhiều lần trở lại Quảng Nam - Đà Nẵng và luôn xem đây là quê hương thứ hai của mình. Trong hồi ký “Mầm giống”, đồng chí Phan Văn Định ghi: “Tôi đã ra đi, đến đất Quảng Nam, tìm được những bạn bè cùng chí hướng để chống Pháp. Mới mấy năm, từ những hạt giống cách mạng đầu tiên gieo xuống mảnh đất này mà bây giờ đã cắm sâu, lan tỏa khắp các vùng nông thôn rộng lớn. Tôi bất chợt nhận ra một điều sâu kín trong tình cảm của mình: Tôi đã gắn bó với đồng bào, đồng chí ở đây. Tôi đã gắn bó với Quảng Nam từ giờ phút mới đến tìm đất sống. Và chính ở đây, tôi đã tìm ra con đường lý tưởng của mình”.

Theo ông Phan Văn Vũ người con trai của đồng chí Phan Văn Định: “Ở quê hương không ai biết bố tôi từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cụ cũng không kể với ai điều này. Những đêm nằm ôm tôi vào lòng, cụ bảo quãng đời ở Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là cái phút giây tại bãi cát Trường Lệ, Hội An, khi tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam là giờ phút sung sướng nhất. Vì ông bắt gặp được lý tưởng của Đảng, sống trọn vẹn với nhiệt huyết tuổi trẻ, đã cùng chiến đấu với những đồng chí rất kiên cường. Lái xe cho công sứ Pháp, mỗi tháng được trả 35 đồng tiền Đông Dương, ông dành 15 đồng để làm kinh phí cho tổ chức hoạt động, in báo”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Phan Văn Định được tặng thưởng Huy hiệu 50, 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao qúy khác. Tưởng nhớ công lao, những đóng góp của đồng chí với phong trào cách mạng Quảng Nam trong những buổi đầu gieo hạt, tên của đồng chí - Phan Văn Định đã được đặt tên cho một tuyến đường tại phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ.

Tác giả bài viết: Lê Năng Đông (Bài viết có sử dụng tư liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1,804
  • Tháng hiện tại41,322
  • Tổng lượt truy cập1,423,209
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây