Xe tăng quân Giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN). |
Đại thắng mùa Xuân 1975 là một bước ngoặt trong lịch sử mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc ta, thời kỳ cả nước được sống trong hòa bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn in đậm trong tâm trí và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Đó cũng là niềm tự hào của những người có lương tri và yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1].
Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu đề cập đến các góc độ khác nhau về tầm vóc lịch sử và ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân 1975, nhưng việc nhìn nhận, đánh giá làm rõ hơn về tầm vóc và ý nghĩa của nó luôn là điều cần thiết, nhất là trước những tư tưởng và luận điệu vô tình hoặc cố ý xuyên tạc về giá trị lịch sử và tầm vóc của Đại thắng mùa Xuân 1975 đối với dân tộc và thời đại.
1. Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc của Đảng và nhân dân ta
Lịch sử dân tộc ta nửa đầu thế kỷ XX đã cho thấy, đất nước ta luôn chìm đắm dưới ách xâm lược, đô hộ của thực dân, phát xít, chưa bao giờ được độc lập, dân tộc ta chưa bao giờ được tự do, chưa một ngày được hưởng hoà bình trọn vẹn. Nên ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định mục tiêu chiến lược là lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng ách thống trị ngoại bang, giành độc lập, tư do cho dân tộc, hòa bình cho đất nước. Đây là mục tiêu cơ bản, hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân từng bước giành được những thắng lợi to lớn. Với Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta giành được chính quyền, lần đầu tiên trong lịch sử gần 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta có được độc lập, tự do, đất nước ta có vị thế trên trường quốc tế. Với Cách mạng tháng Tám, “Dân tộc ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”[2]. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, nhân dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chính quyền nhân dân và làm chủ cuộc sống của mình. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Tuy nhiên, sau năm 1954, đất nước mới được giải phóng một nửa. Dưới ách cai trị của chính quyền tay sai và xâm lược Mỹ, nhân dân miền Nam vẫn chưa có tự do. Với Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta đã đập tan chế độ ngụy quyền và đánh bại chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh. Với Đại thắng mùa Xuân 1975, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta hoàn toàn được giải phóng, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, hoàn thành cơ bản cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Đó là thắng lợi lớn nhất, trọn vẹn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN). |
2. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 tạo tiền đề về vật chất và tinh thần to lớn để tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta
Suốt 21 năm chiến đấu vô cùng ác liệt và gian khổ, Đảng ta và nhân dân ta đã phải huy động cao nhất của cải, sức lực, trí tuệ và lực lượng cho chiến tranh để giành thắng lợi. Khẩu hiệu“Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!” trở thành động lực thôi thúc hành động của mỗi người và của toàn dân tộc. Mặc dù sau năm 1954, miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng chưa được bao lâu đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhân dân miền Bắc đã phải huy động mọi nguồn lực cho chiến trường miền Nam, hàng chục triệu thanh niên miền Bắc - lực lượng lao động chủ lực đã phải cầm súng ra chiến trường; hàng nghìn nhà máy, công xưởng, xí nghiệp phải tập trung phục vụ chiến đấu. Do phải chi viện cho chiến đấu, do chiến tranh nên thành tựu của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế miền Bắc chưa đạt được bao nhiêu.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau Đại thắng mùa xuân 1975, Đảng ta và nhân dân ta có điều kiện tập trung mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để thực sự bắt thay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, nếu không có Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta không thể tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, không thể tiến hành công cuộc đổi mới và không đạt được những thành tựu kinh tế vĩ đại như hiện nay. Không kết thúc được chiến tranh, chúng ta không thể có điều kiện tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể đưa đất nước hội nhập, tận dụng được những tiến bộ và thời cơ của nhân loại đem lại như ngày nay.
Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là tiếp điểm lịch sử giữa chiến tranh và hòa bình, giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, giữa sự chuyển biến của dân tộc trong phạm vi quốc gia lên phạm vi quốc tế - nơi gắn kết dân tộc với thời đại… Đó là ý nghĩa to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước mà không phải bất cứ một chiến thắng nào cũng có được.
3. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 khẳng định sự tài tình, sáng tạo của Đảng và vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rõ đặc điểm của cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam - một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, lực lượng chủ yếu là nông dân, giai cấp công nhân và phong trào công nhân chưa lớn mạnh, nhưng mang trong mình truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm quật cường. Trong điều kiện đó, nếu không có một cương lĩnh, đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, sáng tạo, Đảng không thể lãnh đạo cách mạng thành công. Với đường lối chiến lược và sách lược biết giành thắng lợi từng bước, biết thắng từng trận để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn; với đường lối biết giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mới 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền và Đảng nắm được chính quyền; với chưa đầy 30 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng và nhân dân ta đã làm nên “một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” và “một Đại thắng mùa Xuân 1975 vang vọng khắp hoàn cầu” mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc và lịch sử của thời đại. Đó chính là đỉnh cao, là kết quả tất yếu của đường lối sáng tạo và tài tình trong quá trình lãnh đạo chiến tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay sau năm 1975, đất nước ta bước vào một thời kỳ hết sức khó khăn, kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng, chiến tranh hai đầu biên giới kéo dài, đất nước bị bao vây, cấm vận nặng nề, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, các thế lực phản động ngoài nước, kích động lực lượng chống đối trong nước nổi dậy chống phá ở nhiều nơi - đất nước lại rơi vào tình thế hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”… Lúc đó có người chỉ cho rằng Đảng chỉ giỏi trong lãnh đạo chiến tranh, còn yếu kém, không giỏi trong lãnh đạo kinh tế. Chúng ta phải thừa nhận, trong thời kỳ 10 năm từ 1975 - 1985, Đảng ta có một số khuyết điểm, sai lầm trong lãnh đạo kinh tế, nhưng đó không thể nào là yếu tố để quy kết về bản chất cách mạng của Đảng. Một Đảng đã biết lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, làm nên những chiến thắng lẫy lừng như Điện Biên Phủ, như Đại thắng mùa Xuân 1975; một Đảng đã biết lãnh đạo một dân tộc nhỏ bé đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ thì Đảng đó nhất định sẽ biết lãnh đạo nhân dân từng bước vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất của nền kinh tế thị trường, của sự bao vây, cấm vận bởi các thế lực thù địch với dân tộc bấy lâu nay, để không những chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, mà còn nhất định giành được những thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thực tế 37 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đưa đất nước không chỉ đạt những thành tựu kinh tế, mà còn làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó không chỉ khẳng định sự tài tình, sáng tạo của Đảng, mà còn khẳng định lịch sử đã chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người “cầm lái vĩ đại” đối với lịch sử dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhân dân Vĩnh Long mừng ngày chiến thắng (1/5/1975). (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN) |
4. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 đã nâng cao địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra tiền đề thuận lợi cho mở rộng quan hệ quốc tế thời kỳ mới
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chính thức có tên trên bản đồ thế giới. Việt Nam được biết đến như một ngọn cờ tiền phong của phong trào giải phòng dân tộc, trở thành lời hiệu triệu các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh thoát khỏi ách thực dân, phát xít. Cách mạng đã mở ra mối quan hệ quốc tế tốt đẹp giữa Việt Nam với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các châu lục. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một thời kỳ quan hệ ngoại giao rộng lớn của Việt Nam đối với nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Còn với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 1975 đã không những mở ra quy mô lớn hơn, số lượng các nước có quan hệ với Việt Nam nhiều hơn, mà chất lượng quan hệ đối tác của Việt Nam cũng cao hơn, toàn diện và sâu sắc hơn.
Với Đại thắng mùa xuân 1975, nhân dân thế giới không chỉ biết đến và khẳng định Việt Nam là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn biết đến ý chí kiên cường, truyền thống văn hóa và đạo lý Việt Nam. Đó là hòa bình, chính nghĩa, nhân văn và nhân đạo; là “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Nó mãi còn để lại trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế về hình ảnh, tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp, thủy chung, son sắt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với các chính đảng, nhà nước và nhân dân các nước đã hết lòng ủng hộ về tinh thần và vật chất đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta; đồng thời mở ra một thời cơ thuận lợi mới cho một “mặt trận ngoại giao mới” trong thời bình, phục vụ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, hội nhập sâu hơn, sự tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc hơn của Việt Nam theo dòng chảy chung của nhân loại trong thời kỳ mới.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những giá trị của Đại thắng mùa xuân 1975 vẫn còn âm vang cùng thời đại, mãi mãi khắc ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc và trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè khắp năm châu. Tầm vóc và ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân 1975 đã và mãi còn tác động lớn lao đến tiến trình phát triển của dân tộc. Nó là niềm tự hào, là niềm tin chiến thắng để nhân dân Việt Nam vững bước tiến lên trên con đường mới, tiếp tục theo đuổi mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định rằng, những giá trị của Đại thắng lịch sử mùa Xuân 1975 là mãi mãi bất diệt!./.
[1] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà nội, 2011, tr. 471.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.13.
Tác giả bài viết: Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Quang (Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị)
Ý kiến bạn đọc