Phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam giải quyết bài toán nông nghiệp thông minh
Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam, ông Hồng Quốc Cường, Giám đốc kỹ thuật Công ty Rynan Technologies cho biết để giải quyết các bài toán trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện công ty phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam VDAPES; nghiên cứu và sản xuất các thiết bị thông minh IoT ứng dụng trong nông nghiệp và thủy sản; cung cấp các chuỗi giải pháp truy xuất nguồn gốc; giải pháp tự động hóa dây chuyền sản xuất trong nhà máy.
Theo ông Cường, chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp gồm 3 bước: số hóa dữ liệu (chuyển đổi các văn bản, hình ảnh, âm thanh sang dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính); số hóa quy trình (tích hợp các thiết bị IoT vào mọi hoạt động để thu thập dữ liệu tự động) và quản lý số (quản lý tất cả mọi hoạt động với những công cụ số như phần mềm SaaS và các ứng dụng di động,...). CĐS trong nông nghiệp giúp chúng ta tạo giá trị mới, giảm giá thành, giảm tác động đến môi trường, tăng chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận và tăng sự hài lòng của người tiêu dùng.
Với dịch vụ điện toán đám mây nông nghiệp số, công ty Rynan đã sử dụng các vệ tinh giám sát từ các tổ chức châu Âu để ứng dụng công nghệ viễn thám vào quản lý nông nghiệp thông minh, đồng thời kết hợp mạng lưới thiết bị IoT để hiệu chỉnh các dữ liệu từ vệ tinh viễn thám gửi về, nhằm tối ưu hóa quy trình, mang lại độ chính xác cao trong nông nghiệp. Hiện đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây cộng đồng, đám mây công nghiệp, đám mây DN và đám mây kết hợp.
Hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam của Rynan Technologies gồm: Thiết bị CNTT và thiết bị IoT cho thuê hay bán; Traceme.VN (nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp), Tomgoxy (nền tảng phục vụ canh tác tôm siêu thâm canh với nồng độ oxi cao, mật độ canh tác lớn), Rynan Mekong (nền tảng cung cấp dữ liệu quan trắc về giám sát chất lượng nước, sâu rầy thông minh).
Với hệ sinh thái đa dạng trên, DN đã giới thiệu một số sản phẩm nổi bật trong canh tác nông nghiệp. Ông Hồng Quốc Cường chia sẻ, trước kia để kiểm tra chất lượng nước thì phải cầm thiết bị đi đo và ghi chép bằng tay, để giải quyết vấn đề này Rynan đã thiết kế các thiết bị kết nối Internet tự động đo và gửi kết quả về qua đám mây và có thể kiểm tra trên thiết bị di động. Hiện tại, công ty đã triển khai được 78 trạm phao và trạm quan trắc xâm nhập mặn, giám sát lũ thông minh tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gồm Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang...).
Được triển khai 6 năm nay, hệ thống hoạt động tốt và đem lại hiệu quả cao. Bà con nông dân tại khu vực này có thể tải ứng dụng Rynan Mekong trên App Store hoặc Google Play, sau đó đăng ký sử dụng hoàn toàn miễn phí, nhằm giúp người nuôi điều khiển từ xa, cập nhật tình hình con tôm, quan trắc nước qua màn hình điện thoại khiến việc nuôi tôm thuận lợi và kinh tế hơn trước nhiều.
Bên cạnh đó, Rynan còn phát triển hệ thống giám sát sâu rầy thông minh. Trước đây, để giám sát sâu bệnh trên cây lúa, nhân viên của phòng nông nghiệp địa phương thường sử dụng bẫy đèn truyền thống để dẫn dụ côn trùng. Tuy nhiên, “bẫy đèn phải làm thủ công, đốt đèn vào ban đêm, đến sáng thì lấy vô để… đếm từng con và xác định từng loại một. Sau đó phải vào sổ, làm thông báo khuyến cáo gửi đi các nơi nên rất mất thời gian và tốn công. Trạm giám sát sâu rầy thông minh do Rynan phát triển ứng dụng AI để tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch vô hại và tự động đưa ra các cảnh báo, dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.
Phương thức hoạt động của trạm giám sát sâu rầy thông minh là sử dụng đèn LED để kích thích dẫn dụ sâu rầy trên diện rộng. Các camera chuyên dụng đã được lắp đặt trong trạm sẽ tự động và định kỳ chụp lại hình ảnh của côn trùng bay vào trạm. Kết quả phân tích cuối cùng sẽ được trả về dưới dạng biểu đồ trực quan, thể hiện rõ tương quan giữa sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi, từ đó giúp người nông dân có cái nhìn tổng quát và nhanh chóng về mức độ cân bằng của hệ sinh thái ngay trên điện thoại thông minh mà không phải ra tận cánh đồng.
Ngoài ra, trạm giám sát sâu rầy thông minh còn giúp ích cho nông dân theo dõi được tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ, ẩm độ hằng ngày. Qua đó, giúp nông dân nhận biết được mật độ sâu rầy trên ruộng và tình hình thời tiết mỗi ngày để chủ động các giải pháp xử lý trong sản xuất lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác. Vì vậy, góp phần nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí đầu tư, giảm công chăm sóc và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Sản phẩm đã đạt giải Bạc “Sản phẩm số xuất sắc” tại lễ trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021 của Bộ TT&TT. Hiện tại công ty có 55 trạm trạm giám sát sâu rầy thông minh được lắp đặt tại Nghệ An, Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng... đồng thời đang triển khai 4 trạm thử nghiệm và đã được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cấp phép, dự kiến trong năm 2023 sẽ triển khai 100 trạm tại Nhật Bản.
"Với thế mạnh trên, công ty kỳ vọng sẽ xây dựng được bản đồ sâu hại và thiên địch học cho Việt Nam, giúp người dân có thể ứng dụng các công nghệ phun đúng thời điểm, đúng liều lượng, mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp", ông Cường nói.
Chuỗi sản phẩm tiếp theo của DN là giải pháp truy xuất nguồn gốc với ứng dụng mã vạch QR code trên bao bì sản phẩm. Dữ liệu trên nền tảng Traceme.VN được thu thập tự động bằng thiết bị IoT kết hợp với thuật toán AI và công nghệ blockchain do Rynan phát triển và xây dựng.
Thích ứng để tồn tại và phát triển bền vững
Chia sẻ với cộng đồng startup về bí quyết tồn tại trên hành trình phát triển, ông Hồng Quốc Cường, cho biết: các ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp rất đa dạng nhưng để triển khai thì nhiều khó khăn. Do đó, các giải pháp của startup trong lĩnh vực này phải cụ thể, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.
“Đơn cử khi đơn vị cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh cho bà con đồng bằng sông Cửu Long, công ty phải nhập cảm ứng từ Mỹ, Nhật về với chi phí cao. Dù muốn mô hình kinh doanh được nhân rộng, nhưng công ty nhận ra các thiết bị này áp dụng không hiệu quả vì nước giàu phù sa, cảm ứng mau hỏng. Từ đó, các kỹ sư của đơn vị phải tìm giải pháp mới, thiết kế cảm ứng mới để dễ vệ sinh, bền bỉ, phù hợp với thời tiết. Đó là điều kiện để ra đời ý tưởng đột phá, đổi mới sáng tạo”, ông Hồng Quốc Cường chia sẻ.
Ông cũng khuyến nghị các startup trong chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào, canh tác, thu gom, chế biến... cần xác định cụ thể đối tượng khách hàng, để từ đó xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp./.
Tác giả bài viết: theo ictvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc