Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án luật này có tầm quan trọng rất đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung rất khó, rất phức tạp và có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, nhất là tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và của doanh nghiệp. Đồng thời ghi nhận Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dự thảo luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, hiện nay một số nội dung quan trọng của dự án luật vẫn đang trong quá trình xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, một số vấn đề vẫn đưa ra 2 phương án để lựa chọn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) |
Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng để có ý kiến, quan điểm đối với những nội dung mà Ủy ban Kinh tế nêu ra tại báo cáo. “Chính phủ hơn ai hết là người điều hành trực tiếp nên có thảo luận kỹ lưỡng đối với từng vấn đề lớn này và có quan điểm đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội theo phương án như thế nào” - Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời gợi mở, Chính phủ không nhất thiết phải họp toàn thể, những nội dung thống nhất hoặc thấy chín muồi rồi thì loại ra. Còn những Bộ có liên quan trực tiếp đến các nội dung đang còn vướng, còn 2 phương án hoặc những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau thì cần “họp cho sâu, bàn cho kỹ, lập luận cho đầy đủ để chúng ta có một dự thảo luật tốt nhất”.
Đối với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự luật, nhất là những nội dung vẫn còn 2 phương án. Trường hợp còn 2 phương án thì cần phải phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và tác động một cách khách quan, đầy đủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội bố trí riêng ít nhất 1 buổi để Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến đối với dự án luật này. “Nếu còn vấn đề gì thì quá trình thảo luận chúng ta tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tôi tin là dự án luật sẽ có chất lượng tốt” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Bổ sung nội hàm phương pháp định giá đất
Báo cáo một số nội dung lớn, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về các phương pháp định giá đất, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập; bổ sung trở lại phương pháp thặng dư.
Về nội hàm các phương pháp định giá đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thực tế thời gian vừa qua cho thấy những bất cập trong công tác định giá đất cần phải có quy định ở khung pháp lý cao hơn quy định tại Nghị định để điều chỉnh các nội dung về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất.
Về nội dung, đối với mỗi phương pháp cần có quy định rõ về nội hàm và trường hợp áp dụng, tránh vướng mắc, gây rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Đây cũng là ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, vì vậy, trên cơ sở nội dung do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng bổ sung nội hàm các phương pháp định giá đất, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 158 dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về việc lựa chọn phương pháp theo nguyên tắc “có lợi nhất cho ngân sách nhà nước”, thay thế bằng nguyên tắc cơ bản về việc áp dụng đối với từng phương pháp cụ thể.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật thiết kế quy định cụ thể tại dự thảo Luật nội hàm của từng phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể, tuy nhiên, về nội hàm và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể cũng còn ý kiến khác nhau (có phương án được thiết kế trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phương án khác được thiết kế theo ý kiến chuyên gia).
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ. Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nội hàm các phương pháp đã có sự thay đổi so với quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá tính hợp lý về nội hàm và nguyên tắc áp dụng các phương pháp xác định giá đất, do đó đề nghị chỉ quy định tên phương pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) |
Ngoài ra, một số vấn đề lớn khác được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo gồm: Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; về các chỉ tiêu sử dụng đất tại nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.../.
Tác giả bài viết: Tú Giang
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc