Chuyển đổi số để chuyển đổi xanh

Thứ ba - 16/05/2023 15:09 443 0
Sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như: Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh và già hóa dân số. Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới. Nền kinh tế số được coi là động lực chính, tạo việc làm, đóng góp vào việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Nhiều lợi ích

Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã nhấn mạnh việc 3 nội dung xây dựng gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số mang lại những giá trị khác nhau đối với từng tổ chức. Tuy nhiên, những đóng góp của chuyển đổi số có thể hiểu là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý và tạo ra các giá trị mới.

Ví dụ, trong thương mại điện tử, chuyển đổi số mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng thông qua việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn nhờ các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu để tương tác khách hàng nhanh chóng và dễ dàng; quản lý dữ liệu khách hàng và đơn hàng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh thời gian thực hiện, qua đó giảm chi phí và tăng hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động tiếp thị, thanh toán trực tuyến... Ở góc độ doanh nghiệp, ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen thông tin, nhờ chuyển đổi số, Nhà máy Nestlé Bông Sen đã đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm; giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên, cán bộ điều hành tay nghề cao.

Ứng dụng cánh tay robot trong sản xuất tại Nhà máy thiết bị gia dụng Sơn Hà-Bắc Ninh. Ảnh: MINH ĐỨC 
Ứng dụng cánh tay robot trong sản xuất tại Nhà máy thiết bị gia dụng Sơn Hà-Bắc Ninh. Ảnh: MINH ĐỨC 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, gần đây, khái niệm “chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số. Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số, như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hoàn thiện hạ tầng số

Đánh giá về tiềm năng của nền kinh tế số Việt Nam, báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt khoảng 50 tỷ USD vào năm 2050; trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông-cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Có thể thấy, hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu; hạ tầng số chưa đồng bộ; năng lực kết nối số còn thấp; thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số... Quan tâm về hạ tầng phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: Để kinh tế số phát triển cần hạ tầng công nghệ thông tin, internet tốt. Do đó, để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Gợi ý các giải pháp về hạ tầng số, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng, cũng như lượng carbon thải ra.

Nhìn toàn diện hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) chỉ rõ, kinh tế số, xã hội số không chỉ có người bán mà còn có cả người mua. Chính vì vậy, tư duy quản lý cần hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của người mua. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế số, đặc biệt trong thương mại điện tử theo hướng tăng cường các chính sách cần ưu tiên đến các vấn đề như xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến, ý thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, đặc biệt là ý thức về tiêu dùng bền vững.

Tác giả bài viết: KHÁNH AN

Nguồn tin: www.qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,106
  • Tháng hiện tại36,323
  • Tổng lượt truy cập864,311
Liên kết nhanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Quảng cáo BT trái
Quảng cáo phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây